Sáng 21/8 tại Đà Nẵng, TCDL (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch.Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc TCDL,cơ quan quản lý du lịch các địa phương, cơ sở đào tạo du lịch, chuyên gia và đông đảo doanh nghiệp du lịch. Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung chủ trì Hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Trong 3 năm trở lại đây, ngành Du lịch đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, năm 2018 đón được 15,5 triệu khách quốc tế, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Du lịch Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Cùng với tăng trưởng khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng khách nội địa duy trì ổn định, trung bình tăng 15%/năm trong giai đoạn 2011 – 2018. Năm 2018, ngành Du lịch đã phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa và mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là 85 triệu lượt. Cùng với sự tăng trưởng lượng khách, lực lượng hướng dẫn viên (HDV) cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2005 mới có 5000 HDV, thì sau 10 năm đã có 16.560 HDV, và đến tháng 8/2019 đã có 25.500 HDV.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì Du lịch Việt Nam cũng bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, thậm chí là yếu kém, phát triển chưa đồng bộ và tính bền vững thể hiện khôngđồng đều giữa các địa phương, mà trong đó công tác hướng dẫn du lịch và đội ngũ HDV là khá rõ nét. Cơ cấu về bố trí lực lượng HDV cũng như trình độ ngoại ngữ của HDV mất cân đối. Việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả để hành nghề, vấn đề HDV chui, người nước ngoài hành nghề trái phép do thiếu HDV ở thời điểm cao điểm khách du lịch quốc tế…Công tác quản lý HDV còn bộc lộ bất cập từ nhận thức đến công tác đào tạo, cấp thẻ, hành nghề, xếp loại, quản lý, kiểm tra xử lý, khen thưởng tôn vinh…
Toàn cảnh Hội thảo
Trong báo cáo tổng quan về công tác quản lý hướng dẫn du lịch của Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành – TCDL Phạm Lê Thảo nêu rõ, sự tăng trưởng của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước về du lịch nói chung và công tác quản lý hướng dẫn du lịch nói riêng. Nhận thức được vai trò của công tác hướng dẫn du lịch, đã có nhiều văn bản quản lý được ban hành như Quy chế quản lý hướng dẫn du lịch (ban hành năm 1994), Pháp lệnh Du lịch (năm 1999), Luật Du lịch (năm 2005) và Luật Du lịch sửa đổi (năm 2017). Các quy định tại các văn bản pháp quy này có sự kế thừa, phát triển, tiếp thu tinh thần cải cách hành chính và xu thế hội nhập quốc tế, các quy định ngày càng được cởi mở, giúp giải phóng nhân lực du lịch đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý chung của nhà nước.
Tại Hội thảo đã chia thành 3 nhóm thể thảo luận các vấn đề then chốt: Nội dung tăng cường quản lý HDV dành cho các đại biểu quản lý nhà nước và các Bộ, Ngành liên quan; Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hướng dẫn du lịch dành cho các đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu; Nội dung quản lý đào tạo nghề và xếp hạng HDV cho đại diện các doanh nghiệp, hội, chi hội, CLB hướng dẫn viên.
Trên cơ sở các nội dung thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đặt ra vấn đề cần thống nhất nhận thức trong quản lý, đưa ra các đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn du lịch cũng như phát triển lực lượng HDV nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch phục vụ du khách.
Châu Luân