Bên cạnh những thành tựu đạt được trong hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm nay, vẫn còn những hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục, trong đó nổi cộm lên là hiện tượng hướng dẫn viên (HDV) “chui”, công ty du lịch Trung Quốc núp bóng, hoạt động trái phép tại một số địa bàn.
Thực tế thì các hiện tượng tương tự như trên đã diễn ra từ cách đây 20 năm với những quy mô khác nhau, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều đã có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Những hiện tượng như thế đã không chỉ xảy ra ở Quảng Ninh trước đây, mà gần đây là Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi họp báo cuối tuần qua tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nêu rõ quan điểm xử lý kiên quyết và mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước đối với các vi phạm trong hoạt động lữ hành. Ông khẳng định: Theo Luật Du lịch, người nước ngoài không được hướng dẫn du lịch tại Việt Nam. HDV du lịch nước ngoài càng không được phép hoạt động tại Việt Nam. Những hành vi đó phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nguyên nhân: Trung Quốc là một thị trường rất đặc thù, số lượng khách du lịch Trung Quốc đã gia tăng đột biến với nhiều thị trường, năm 2014 con số khách đạt trên 100 triệu lượt người. Nhiều quốc gia phát triển du lịch quan tâm đến thị trường này, và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam và sự gia tăng đột biến khách Trung Quốc tại một số địa bàn, đã dẫn đến tình trạng khả năng cung ứng dịch vụ cũng như HDV không đáp ứng được yêu cầu. Một điểm nữa là doanh nghiệp Trung Quốc thường can thiệp, thao túng rất sâu vào hoạt động du lịch khi đưa khách tới các điểm đến trên thế giới và hiện tượng HDV “chui”, bất hợp pháp đã không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân nữa là công tác quản lý, phát hiện, kiểm tra, xử lý các vi phạm hiện nay của chúng ta cũng còn bất cập, hạn chế, cần được khắc phục.
“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, khi nắm được thông tin, một là chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo các sở ngành tập trung phát hiện, kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý; thứ hai, chúng tôi phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL và có những trường hợp nóng bỏng như Công ty Silent Bay, Tổng cục Du lịch trực tiếp xử lý, thu hồi giấy phép lữ hành quốc tế 1 ngày ngay sau khi kiểm tra vì công ty này sử dụng tới trên 60 lao động bất hợp pháp”- Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết: Đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc chính quyền địa phương các cấp trong việc chỉ đạo các cơ quan liên quan, và rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của cơ quan công an. Ngày 23/6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh, thành phố rà soát, chấn chỉnh hoạt động du lịch “chui”, núp bóng, bất hợp pháp trong đó có hoạt động HDV “chui” người Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Chúng tôi cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố và Tổng cục An ninh đề nghị rà soát kiểm tra, trục xuất HDV “chui”, lao động bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Vụ Lữ hành phối hợp Thanh tra Bộ VHTTDL, và các Sở VHTTDL, Sở Du lịch các địa phương xử lý quyết liệt hơn, mạnh tay hơn nữa”- Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Quyết tâm của người đứng đầu ngành Du lịch cũng như những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ của Tổng cục Du lịch trong thời gian vừa qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội và báo chí.
Xử lý các vi phạm là để quản lý tốt hơn và quản lý thì phải xử lý. Mệnh đề đơn giản này, thiết nghĩ của người viết bài này, là nguyên tắc bất biến trong hoạt động quản lý nhà nước. Vấn đề mà dư luận mong đợi là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, chính quyền địa phương các cấp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 92/NQ-CP và Chỉ thị 14/CT-TTg và theo đúng chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/6 để Việt Nam luôn là điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện.
Minh Quang