(TBKTSG) – Về tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên phục vụ du khách quốc tế, có ý kiến cho rằng không khó giải quyết, có thể bắt đầu từ việc phân loại hướng dẫn viên và tăng giá tour đủ để thuê người phục vụ.
![]() |
Hướng dẫn viên du lịch đang hướng dẫn khách quốc tế tham quan TPHCM. Ảnh: Đào Loan |
Tháng này, mảng du lịch quốc tế bắt đầu mùa đông khách và gần như các thành phố lớn về du lịch đều thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên nói tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật…
Tình hình còn căng thẳng hơn tại một số địa phương có nguồn khách tập trung. Chẳng hạn với Đà Nẵng, trong tám tháng qua, có 594.000 lượt khách đến từ Hàn Quốc, tăng 106% so với cùng kỳ. Dù chỉ có khoảng 50% khách đi qua tour, nhưng chỉ với 67 hướng dẫn viên nói tiếng Hàn thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu.
Trên quy mô cả nước, số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy sự mất cân đối lớn về số lượng du khách và hướng dẫn viên. Cả nước hiện có gần 20.000 người có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đủ điều kiện hướng dẫn du khách nước ngoài tham quan Việt Nam theo quy định của Luật Du lịch. Trong khi đó, vào năm ngoái, có khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế đến, trong chín tháng đầu năm nay, lượng khách đã đạt hơn 9,4 triệu lượt, và số người đến vì mục đích du lịch, nghỉ ngơi chiếm phần lớn trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Đã có sự so sánh là ngoại trừ hướng dẫn viên tiếng Anh thì một hướng dẫn viên ở nhiều ngôn ngữ khác đang phải phục vụ hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn khách. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ và dẫn đến tình trạng người nước ngoài hoạt động “chui”, vì doanh nghiệp không thể tìm được người bản địa để phục vụ khách.
Để giải quyết tình hình, nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch địa phương đề nghị giảm tiêu chuẩn về trình độ học vấn cho hướng dẫn viên, từ đại học xuống cao đẳng cũng như nới lỏng một số yêu cầu với những người có thể nói được những ngôn ngữ cần thiết phục vụ du khách.
Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau đã đáp ứng một phần yêu cầu này. Luật cho phép những người thông thạo ngoại ngữ chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch, hoặc nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì cần có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch quốc tế là có thể được cấp thẻ. Nhiều người hoan nghênh sự thay đổi này, cho rằng sẽ giải quyết được tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực đã diễn ra suốt thời gian dài. Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, một số ý kiến cho rằng do mảng du lịch có tính thời vụ cao, có những lúc rất căng kéo về nguồn nhân lực, nên cần phải có thêm những biện pháp khác nữa, trong đó, nên tăng giá tour đủ để thuê người thuyết minh, chuyển ngữ tại địa phương trong những thời điểm thiếu người.
Theo bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, có rất ít điểm đến trên thế giới có đủ hướng dẫn viên phục vụ du khách quốc tế, và cũng tương tự như Việt Nam, họ không cho phép người nước ngoài hướng dẫn du lịch nội địa. Vì thế, du khách có thể sẽ phải nghe hướng dẫn bằng những ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh hoặc phải nghe lời hướng dẫn qua phiên dịch. Doanh nghiệp thường không thích chọn cách thứ hai vì sẽ làm tăng chi phí và đẩy giá tour lên cao.
![]() |
Nguồn: Tổng cục Du lịch |
“Chuyện thiếu hướng dẫn viên nói một số thứ tiếng là có, nhưng không thể đào tạo thêm hàng loạt hướng dẫn viên để dồn vào phục vụ thời vụ. Khi mùa vắng, nguồn nhân lực này sẽ làm gì? Tôi cho rằng cần phải tính toán lại giá, thêm chi phí vào tour trong một số thời điểm, ở một số thị trường để thuê người chuyển ngữ”, bà Thảo nói mặc dù bà biết nhiều doanh nghiệp rất sợ giá tour cao sẽ làm đối tác từ chối, đặc biệt là đối tác từ những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và việc đặt vấn đề tăng giá để có người phục vụ là rất khó.
Nhiều công ty nước ngoài cũng tiết kiệm chi phí bằng một vài cách, trong đó có cách đem người sang phục vụ tại Việt Nam, y như cách mà doanh nghiệp trong nước đang áp dụng khi đưa khách đi nước ngoài – những nơi mà người nước ngoài hướng dẫn du lịch chưa bị phạt gắt gao như ở Nhật, Mỹ hoặc châu Âu.
Anh Thành, một người Việt đang làm hướng dẫn viên cho công ty du lịch tại Nhật Bản, cho biết mỗi ngày làm việc anh được trả 18.000 yen, tức gần 3,7 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí đi lại, ăn ở và tiền tip. Với người Nhật thì giá thuê cao hơn nhiều, lên đến 25.000-35.000 yen/ngày. Vì thế, nếu công ty Việt Nam không thể đưa hướng dẫn viên sang thì sẽ thuê anh phục vụ thay vì thuê hướng dẫn viên người bản địa.
Người phụ trách mảng du lịch nước ngoài của một công ty lớn tại TPHCM cho biết công ty tiết kiệm được khoảng 2/5 chi phí khi đưa hướng dẫn từ Việt Nam sang phục vụ đoàn thay vì phải thuê hướng dẫn viên địa phương. “Nếu thực hiện đúng luật thì giá sẽ cao hơn công ty khác, kém cạnh tranh, nhưng nếu nhiều công ty cùng làm thì thị trường sẽ có giá khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn lo là điểm đến Việt Nam chưa thực sự nổi bật so với các nơi khác nên việc tăng giá tour có thể làm giảm sức hút du khách”, ông nói.
Một số ý kiến khác cho rằng cơ quan quản lý nên linh hoạt hơn trong việc cấp thẻ hướng dẫn viên, có thể tính đến biện pháp cho phép phân loại hướng dẫn viên. Những người trực tiếp hướng dẫn du khách, đi suốt tuyến thì có thể phải đáp ứng yêu cầu bằng cấp, nghiệp vụ cao hơn; còn với người chỉ làm nhiệm vụ đón, tiễn khách thì nên áp dụng tiêu chuẩn thấp hơn. Điều này cũng giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, bù đắp vào sự thiếu hụt nguồn cung.