Doanh thu của du lịch TP Hồ Chí Minh hiện chiếm hơn 50% doanh thu toàn ngành du lịch cả nước, số lượng khách quốc tế đến thành phố cũng chiếm ưu thế so với các địa phương khác. Vấn đề hiện nay là ngành du lịch thành phố cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để “giữ chân” du khách, nhất là khách quốc tế lưu lại lâu hơn…
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng đầu tư, khai thác các thế mạnh để phát triển du lịch. Thành phố đã tập trung khai thác nhiều sản phẩm tiềm năng về đường thủy như phát triển tuyến buýt đường sông từ quận 1 đi quận Thủ Ðức; mở tuyến giao thông thủy từ trung tâm thành phố đi huyện Cần Giờ, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… Từ đầu năm đến nay, nhiều lễ hội, sự kiện lớn của thành phố được nâng tầm đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2017, thành phố đã thu hút được hơn sáu triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018 này, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 29 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 138 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, ngành du lịch cần nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là phải có thêm nhiều sản phẩm độc đáo đủ sức “giữ chân” du khách lâu hơn. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Trần Hùng Việt, những sản phẩm du lịch hiện tại của thành phố chưa đủ hấp dẫn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Phần lớn những sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ du khách ở khung giờ từ 5 giờ đến 18 giờ, hoặc mang tính thời điểm. Từ 18 giờ đến khuya, du khách không có nhiều hứng thú trong việc tham quan, khám quá thành phố vì có quá ít sự lựa chọn. TP Hồ Chí Minh có nhiều thế mạnh từ ẩm thực, mua sắm cho đến các di sản văn hóa, biểu diễn nghệ thuật… phục vụ cho du lịch ở khung giờ đêm. Quan trọng là việc bố trí như thế nào cho hợp lý trong cấu trúc của dịch vụ để tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn hảo.
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Ðây đều là những thứ hạng cao, chứng tỏ nước ta có rất nhiều tiềm năng tự nhiên để có thể phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn cũng như vươn ra thị trường thế giới. Ở góc độ hẹp hơn, theo số liệu báo cáo năm 2017 của Tập đoàn tư vấn McKinsey, có đến 17% số du khách đến thành phố vì mục đích công việc; cao hơn so với mức bình quân 14 đến 15% của khu vực. Ðiều này khẳng định thành phố đang có sức hút mạnh đối với thị trường khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) và điểm đến này hội tụ đầy đủ tiềm năng cũng như yếu tố để phát triển một cách toàn diện du lịch MICE, góp phần vào việc nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của ngành du lịch nói riêng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố nói chung…
Theo góp ý của nhiều chuyên gia du lịch, muốn thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh phải là sản phẩm “sống”, không phải là sản phẩm được dựng lên hay mô phỏng, mà phải là sự phản ánh chân thật nét sinh hoạt cộng đồng và đặc trưng của địa phương. Chẳng hạn, nếu phố Ðông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), muốn khách không chỉ là tham quan mà còn mua sắm, thì phải có hàng hóa cụ thể. Một khi có hàng hóa thu hút khách mua thì tự động người dân và các hội quán sẽ tích cực tham gia, lúc đó tuyến phố ngày càng sầm uất. Việc nắm rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm là điều cực kỳ quan trọng. Các công ty du lịch khi đưa khách đi mua sắm sẽ phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng sản phẩm. Các hộ kinh doanh tham gia cửa hàng đạt chuẩn sẽ có nguồn khách đến mua sắm nhưng họ cũng phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm.
Việc phát triển tua tham quan, thưởng thức hải sản ở huyện Cần Giờ cũng tương tự. Ðiều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những nơi cung cấp dịch vụ phải đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh, có chỗ tiếp đón, giao thông thuận lợi, chi phí hợp lý…
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, khách du lịch quốc tế đến thành phố chiếm 50% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Tuy nhiên, với vị thế của thành phố cùng với dư địa tăng trưởng thì con số này còn khá khiêm tốn. Ðể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, mời gọi chuyên gia quốc tế đánh giá, có các giải pháp đột phá. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch một cách kịp thời. Bên cạnh đó, thành phố cần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng để kéo chân du khách; đầu tư nâng cấp các khu du lịch và hệ thống bảo tàng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông…
Bài và ảnh: GIA NGUYỄN