Không chỉ còn nhiều dư địa về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam và Nepal hiện đang đầy triển vọng hợp tác về du lịch, văn hóa.
![]() |
Nepal – quốc gia sở hữu nhiều danh thắng Phật giáo |
Tại Nepal, phần lớn người dân là tín đồ Phật giáo. Nepal còn là quốc gia sở hữu các điểm đến nổi tiếng trên thế giới dành cho Phật tử, như Lâm Tỳ Ni – nơi sinh của Đức Phật. Nhờ đó, hàng năm, Nepal đón khoảng 1 triệu lượt khách đến thăm thủ đô Katmandu và theo dự báo, con số này không ngừng gia tăng với tốc độ trung bình khoảng 24%/năm.
Về thị trường khách du lịch, hiện, lượng khách đến Nepal tập trung từ Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Á. Riêng khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đang là thị trường khách xếp thứ 4 trong khu vực có lượng khách du lịch đến Nepal nhiều nhất, với 7.000 lượt khách trong năm 2018. Dự báo, nguồn khách du lịch Việt Nam đến Nepal sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi hai nước tăng cường thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực này.
Nhận định về tiềm năng hợp tác du lịch giữa Việt Nam – Nepal, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhấn mạnh, do có nhiều nét tương đồng về tín ngưỡng, văn hóa nên triển vọng về hợp tác, phát triển du lịch giữa cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và hai nước nói chung rất lớn. “Mỗi năm, có khoảng 2 triệu người Nepal – chủ yếu là tầng lớp trung lưu – du lịch các nước. Châu Á được xem là điểm đến du khách Nepal rất yêu thích, trong đó, Việt Nam là điểm đến lý tưởng mới thay cho các tour tham quan truyền thống từ trước đến nay”- ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Tại cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Nepal trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli, lãnh đạo hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa hai bên còn thấp so với tiềm năng thế mạnh của mỗi nước. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ giao cho các bộ, ngành liên quan của mỗi nước nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có du lịch nhằm khuyến khích doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác, khai thác thị trường của nhau.
Ghi nhận và đánh giá về tiềm năng hợp tác Việt Nam – Nepal, Thủ tướng Nepal cũng khẳng định, hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, với mối quan hệ tin cậy lẫn nhau và cùng chia sẻ những giá trị của Phật giáo. Theo Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli, Lâm Tỳ Ni – nơi sinh của Đức Phật – là điểm đến quen thuộc của cộng đồng Phật tử Việt Nam. “Ngày càng có nhiều khách du lịch Việt Nam đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni và thám hiểm dãy núi Everest; ngược lại, Việt Nam có nhiều điểm đến văn hóa, tín ngưỡng hấp dẫn du khách Nepal. Vì vậy, hợp tác du lịch giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, với chính sách cởi mở dành cho nhà đầu tư, Nepal sẽ là điểm đến hấp dẫn để doanh nghiệp Việt Nam khai thác, thúc đẩy du lịch hai chiều Việt Nam – Nepal phát triển”- Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli nhấn mạnh.
Việt Nam – Nepal nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân; thúc đẩy khách du lịch đến Lumbini và dãy Everest của Nepal cũng như các thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. |