Mặc dù thu được một số kết quả những năm gần đây nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa thu hút được du khách quốc tế như kỳ vọng và vẫn còn khoảng cách khá xa so với các thị trường trong khu vực. Đâu là nguyên nhân?
Du khách quốc tế “ngắm” Hà Nội từ xích lô.
Chưa phát huy hết lợi thế
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ năm 2011 đến 2016, du lịch nội địa tăng từ 30 triệu lượt du khách lên đến 62 triệu lượt du khách, vượt mục tiêu Quyết định 201 đề ra cho năm 2025 (58 triệu lượt du khách), du lịch quốc tế tăng từ 6 triệu lượt lên 10 triệu lượt du khách (bằng mục tiêu năm 2020 theo Quyết định 201).
Có thể thấy, việc chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn hợp lý. Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, đó là những thứ hạng khá cao. Nghĩa là du lịch có lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên…
Tuy nhiên, nếu nói về tổng thể, tính cạnh tranh thì du lịch của Việt Nam vẫn yếu, được WEF xếp thứ 67 trên 136 nền du lịch được xếp hạng. Với 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đạt được trong năm 2016, Việt Nam vẫn đang thua kém các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực khá xa. Cụ thể Thái Lan (32,6 triệu, thứ hạng cạnh tranh toàn cầu là 34); Malaysia (26,8 triệu, thứ hạng cạnh tranh: 26); Singapore (16,4 triệu, thứ hạng cạnh tranh là 13)… Như vậy, rõ ràng, chúng ta vẫn đang bị các nước trong khu vực bỏ rất xa.
Theo TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch, khá nhiều chính sách đang ràng buộc, kéo giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói này. Một trong số đó phải kể đến chính sách visa. Ông Nam cho hay, Việt Nam hiện đang miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, con số này ít hơn nhiều so với Thái Lan (miễn cho 61 nước), Malaysia (miễn cho 155 nước), còn Singapore (miễn cho tới 157 nước). Các hình thức Visa Online, Visa On Arrival của nước ta so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực cũng hạn chế hơn.
Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí visa, vì mức phí là quá nhỏ so với chi phí chuyến đi, cái mà du khác nước ngoài e ngại chính là ở những thủ tục nhiêu khê, rườm rà khi phải xin visa. Vẫn theo TS. Lương Hoài Nam, visa du lịch không phải là chính sách “có đi có lại”. Và cũng cần tránh cách hiểu là mọi công dân các quốc gia được miễn visa đương nhiên được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Cần cải thiện
Trước những điểm nghẽn về thủ tục visa nêu trên, TS Lương Hoài Nam đề xuất, đối với mục tiêu phát triển du lịch rất cao mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra là cải thiện chính sách visa du lịch, bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, visa qua mạng (Visa online), đơn giản hóa thủ tục xin và cấp duyệt visa tại cửa khẩu (Visa on Arrival). TS Nam cho rằng, nếu chúng ta chưa thể “mở cửa” thoáng được như Singapore, Malaysia, thì ít nhất cũng cần được như Thái Lan.
“Ngay trước mắt, cần cải thiện một số chính sách đã có bằng việc tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa (bao gồm Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản) để phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm 6 nước vào diện miễn phí visa du lịch gồm: Canada, Úc, Newzeland, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan”- ông Nam đề xuất.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói song số lượng khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam mỗi năm chỉ ở con số khiêm tốn như vậy, rõ ràng cần nhìn lại chính sách đối với ngành này. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, mức phí visa không quan trọng mà sự thuận lợi tối đa, giảm sự nhiêu khê khi làm thị thực nhập cảnh mới là vấn đề đáng bàn.
“Chính sách miễn thị thực sẽ tạo cú hích cho ngành du lịch phát triển, là công cụ hiệu quả để thu hút khách du lịch chất lượng cao vào các thị trường du du lịch có mức độ chi tiêu cao” – Ông Chính nhấn mạnh.
Minh Phương