Ngày 29/1/2016, tại Hà Nội, TCDL đã nghe báo cáo về đề án chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam. Tham dự buổi báo cáo có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn; các Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, Hà Văn Siêu; cùng đại diện các Vụ, đơn vị thuộc TCDL.
Tại buổi báo cáo, đại diện Vụ Thị trường du lịch đã báo cáo tổng quát về chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam. Đề án nhấn mạnh thương hiệu du lịch Việt Nam phải bao hàm tất cả các vấn đề nổi bật, thể hiện được sự khác biệt. Thương hiệu quốc gia phải bao trùm và có tính chất định hướng. Đề án cũng đã xây dựng khung kế hoạch hành động năm 2016 và những giai đoạn tiếp theo; đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện.
TCDL nghe báo cáo đề án chiến lược phát triển thương hiệu du lịch
Nhiều ý kiến tại buổi báo cáo cho rằng, chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam phải đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cụ thể hóa mục tiêu cho từng thị trường. Phải có các đề án con chi tiết, xác định các dòng sản phẩm phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Phải khẳng định hình ảnh đặc trưng, giá trị khác biệt cốt lõi và có đánh giá cụ thể giá trị khoa học cũng như khả năng triển khai trong thực tiễn. Đề án cũng cần thống nhất các khái niệm, nội dung; gắn kết với chiến lược marketing; rõ ràng, ngắn gọn…
ổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhận định, đề án chiến lược phải định hình được thương hiệu, phù hợp với chiến lược marketing. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, chiến lược phát triển thương hiệu phải nhất quán với chiến lược xây dựng sản phẩm, chiến lược marketing cũng như các vấn đề đã được triển khai. Tên gọi phải đảm bảo định vị và phát triển thương hiệu trên khía cạnh thực tế, truyền thông, marketing. Phải xác định cụ thể mục tiêu từng giai đoạn, định vị và truyền tải đến mức độ nào. Giải pháp chủ yếu cần được sắp xếp ưu tiên, đặc biệt là các giải pháp về xúc tiến quảng bá. Chiến lược cũng cần có sự tham gia góp ý của các địa phương và doanh nghiệp.