Du lịch phát triển và tăng trưởng theo nhu cầu của con người và xã hội. Trong đó, theo thang 8 nhu cầu của Maslow năm 1990, du lịch một mình được xem như giá trị trải nghiệm siêu nghiệm – nơi mà con người sẽ đạt được các giá trị thụ hưởng cao trong cuộc sống thông qua hành trình chuyến đi… đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Theo nhận định của Diễn đàn Du lịch thế giới, nhu cầu đi du lịch một mình của nữ giới nhiều hơn nam giới và điều đó đang có xu hướng tăng lên
Xu hướng du lịch một mình
Theo số liệu từ Tổ chức Khách sạn thế giới (HotelWorld), trong giai đoạn 2015 – 2017, số lượng đặt phòng cá nhân tăng 42%, tăng “đột biến” so với bất kỳ lĩnh vực nào khác. Số liệu từ Airbnb cũng thể hiện sự gia tăng khách độc thân sử dụng dịch vụ. Theo đó, khách đến Cancun (thành phố ven biển trong tiểu bang cực đông của Mexico) tăng 170%, khách một mình đến Tp. HCM (Việt Nam) tăng 146% và khách đến Cologne (thành phố lớn thứ tư của Đức) tăng 142%.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc công ty Outbox, du lịch cá nhân trước hết cần được hiểu là xu hướng du lịch mà ở đó du khách sẽ thực hiện chuyến du lịch đi một mình đến những nơi khác nhau, tự ra quyết định về chuyến đi cho đến lựa chọn các dịch vụ cũng như hoạt động tại điểm đến hướng đến các trải nghiệm cá nhân.
Bà Trần Bảo Trân, Giám đốc khu vực châu Á, Diễn đàn Du lịch thế giới, cho biết thêm: “Du lịch một mình là một trong 13 xu hướng du lịch toàn cầu như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm địa phương, du lịch thiết kế theo yêu cầu riêng, du lịch kết hợp với đi công tác, du lịch sử dụng tự động hóa, du lịch sử dụng trí tuệ nhân tạo, du lịch sử dụng công nghệ nhận diện, du lịch thông minh, du lịch sử dụng thực tế ảo (Virtual Reality -VR), du lịch trải nghiệm công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality – AR), du lịch chăm sóc sức khỏe – thực phẩm hữu cơ và du lịch theo trải nghiệm của khách hàng”.
Cũng theo bà Trân, có đến 84% du khách đi du lịch một mình có trình độ đại học hoặc sau đại học, trong đó 51% đi du lịch từ 3 lần/năm để giải tỏa căng thẳng, 33% du lịch hai lần một năm. Chi tiêu mỗi tuần của dòng khách du lịch một mình (không bao gồm vé máy bay – PV) cũng khác nhau. Cụ thể, có khoảng 7% khách chi hơn 2500 USD/ tuần, 26% khách chi từ 1.500 – 2.500 USD/ tuần, 48% khách chi từ 500 – 1.500 USD/ tuần và khoảng 26% khách chi dưới 500 USD/ tuần.
Theo nhận định của Diễn đàn Du lịch thế giới, nhu cầu đi du lịch một mình của nữ giới nhiều hơn nam giới và điều đó đang có xu hướng tăng lên. Trong nhóm khách du lịch một mình của nữ giới, phụ nữ có độ tuổi từ 25 – 34 tuổi chiếm khoảng 55%, phần lớn là họ đặt phòng vào dịp trái mùa, không thuộc vào thời gian du lịch đại trà. Thời gian chuyến đi du lịch cá nhân trung bình từ 4 – 7 ngày, phụ thuộc vào kinh nghiệm trước đây, chi phí và độ an toàn điểm đến.
Khi tham gia du lịch cá nhân, du khách thường chọn điểm đến là quốc gia hoặc vùng có mức chi tiêu thấp hơn nơi họ đang sinh sống. Bên cạnh đó, người du lịch cá nhân dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, laptop hay máy tính bảng phục vụ cho chuyến đi hơn bất kỳ xu hướng du lịch khác. Do đó, có thể thấy được họ phụ thuộc nhiều vào công nghệ khi tham tham gia du lịch cá nhân.
Du lịch một mình-cơ hội mới
Trên thực tế, có khoảng 88% nhu cầu của khách du lịch một mình muốn rời xa những nơi thành thị. Họ thích tham gia du lịch mạo hiểm, gần gũi với thiên nhiên như đi bộ đường dài, đạp xe, chèo thuyền kayak, lướt sóng, đu dây, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa và thưởng thức ẩm thực. Họ thích trải nghiệm dịch vụ y tế ở nước ngoài mà không có thân nhân hoặc bạn bè của họ hỗ trợ. Đặc biệt, họ muốn có sự an toàn tuyệt đối.
Theo nhận xét của Giám đốc khu vực châu Á, Diễn đàn du lịch Thế giới, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch thì Việt Nam là một trong những điểm đến thích hợp với khách du lịch trải nghiệm một mình. “Những vùng ở xa đô thị của Việt Nam là những điểm đến thu hút loại khách du lịch này. Tuy nhiên, để có một một sản phẩm/dịch vụ hay trải nghiệm du lịch tương ứng với loại hình du lịch mới thì cần phải có một chính sách phát triển đồng bộ của các bên có liên quan. Trong đó, chọn điểm rơi thích hợp để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế hoặc trong nước” bà Trân khẳng định.
Theo phân tích của bà Trân, để có thể tạo được sản phẩm mới – du lịch một mình –sản phẩm sẽ sống vững vàng trên thị trường và tạo nên giá trị của điểm đến thì phân định những vùng chủ lực của du lịch một mình để xây dựng sản phẩm, xác định thị trường trọng điểm để truyền thông/marketing điểm đến nâng cao năng lực cho các bên liên quan để phục vụ tương ứng với khách du lịch một mình.
Ngoài ra, cần xây dựng tuyên bố chung giữa đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú bao gồm cộng đồng dân cư về các giá trị cần đạt được cho loại hình du lịch một mình. Cộng đồng dân cư tại những vùng có phát triển du lịch một mình là những nhân tố tương tác quan trọng đối với khách du lịch một mình. Họ là những người mang lại giá trị văn hóa của điểm đến với du khách. Do đó, họ cần có đủ thời gian để tăng cường kiến thức về sản phẩm du lịch mới, thực hành tốt các dịch vụ phục vụ khách du lịch và tự đào tạo nâng cao kỹ năng cho cuộc sống.
Có thể nói, đây là cơ hội rất lớn đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong xu thế phát triển sản phẩm chuyên biệt dành riêng các nhóm thị trường đặc thù bởi lợi thế về sự hiểu biết điểm đến, sẽ tối ưu hoá các sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hóa và địa phương hoá nhu cầu trải nghiệm của du khách, một trong những yêu cầu quan trọng của thị trường khách du lịch cá nhân.
Với mong muốn chuyến du lịch phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thì thị trường Việt Nam vẫn được xem là thị trường tiềm năng, hấp dẫn và thu hút du khách, kể cả dòng khách ưa loại hình du lịch một mình ngay trong hiện tại và trong tương lai.