Mục tiêu của quảng bá, xúc tiến du lịch (XTDL) là định vị thương hiệu, tăng lượng khách đến. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, các công cụ xúc tiến triển khai kém hiệu quả nên đến nay, công tác này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Phương thức và nội dung quảng bá du lịch cần được đổi mới
Kinh phí hạn hẹp
Theo Tổng cục Du lịch, hiện 58/63 địa phương trong cả nước đã có bộ phận chuyên trách về XTDL; các địa phương, doanh nghiệp (DN) chủ động với quy mô và phạm vi hoạt động đa dạng. Việc tăng cường e-marketing và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; xúc tiến thông qua các sự kiện chính trị, văn hóa và thể thao, hội chợ… đã thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, mang lại nguồn thu 510.000 tỷ đồng năm 2017.
Mặc dù, đã đạt được kết quả tích cực, song công tác XTDL vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Nguyên nhân được ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch – chỉ ra là, công tác XTDL vẫn mang tính truyền thống, chưa có nghiên cứu thị trường cơ bản, chưa hình thành cơ chế, kênh trao đổi thông tin trao đổi, hợp tác giữa trung ương, địa phương, hiệp hội và DN. Các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm, tự phát, không có kế hoạch, không tập trung về phương pháp quảng bá, không xác định được thị trường trọng tâm, trọng điểm…
Một rào cản lớn khác trong hoạt động xúc tiến, đó là kinh phí. Ông Nguyễn Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) – cho biết, kinh phí được cấp từ ngân sách duy trì mức thấp, khoảng 30 – 40 tỷ đồng/năm ở cấp trung ương và thấp hơn nhiều ở cấp địa phương. Nếu như, so sánh với tỷ lệ ngân sách trên số lượng khách quốc tế đến của các nước trong khu vực như: Thái Lan (69 triệu USD/32,5 triệu khách), Malaysia (105 triệu USD/26,7 triệu khách), Singapore (80 triệu USD/16,4 triệu khách)… thì Việt Nam chỉ đạt mức 2 triệu USD/10 triệu khách. “Kinh phí hạn hẹp chưa thể tạo thành động lực mang tính đột phá làm thay đổi căn bản hoạt động XTDL, hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ XTDL phổ biến và hiệu quả” – ông Đức nhấn mạnh.
Tận dụng công nghệ để quảng bá
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, làm xúc tiến trước hết phải tạo sản phẩm; trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới giữ được khách cũ và có khách mới. Đơn cử như Singapore, 5 năm qua đã tạo ra 6 trung tâm du lịch nổi tiếng đầy sáng tạo, mới mẻ để tiếp thị. Nhờ đó, mức tăng trưởng du lịch đạt trên 30%, khoảng 30 triệu khách du lịch/năm.
Về phía DN, ông Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Công ty Du lịch Goldentour – cho hay, thực tế, những chương trình quảng bá, hội chợ… đã được tổ chức chuyên nghiệp hơn nhưng các tỉnh tham gia rất ít. “Chúng ta mời hàng trăm khách và người mua nhưng bên bán chỉ 8 người không đủ để cung cấp thông tin. Do vậy, Tổng cục Du lịch cần xem lại khâu tổ chức truyền thông, phải có cách làm phù hợp để DN tiếp cận được thông tin sản phẩm, điểm đến đầy đủ, thuyết phục” – ông Dũng đề xuất.
Với nguồn lực hạn chế, ông Nguyễn Hữu Thọ – nhấn mạnh, cần phải tìm ra nhiều giải pháp thông minh. Đặc biệt, yếu tố quan trọng chính là con người. Không chỉ kinh phí mà nhân lực du lịch hiện cũng đang yếu kém. Do vậy, chúng ta cần tận dụng thế mạnh của công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, điểm đến…
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh phối hợp hiệu quả công – tư, tăng cường vai trò của DN; cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường còn khả năng tăng trưởng mạnh; đổi mới nội dung và phương thức quảng bá xúc tiến, ưu tiên sử dụng hiệu quả công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phí thấp.
Bảo Thoa