Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhấn mạnh: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Vậy, từ thực tế của địa phương, theo ông, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào nhất là cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa?
(Ông Phạm Tâm Thanh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk trả lời phỏng vấn Báo Du lịch)
Tỉnh Đắk Lắk rất giàu tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Nhưng các vùng có tài nguyên đều nằm cách xa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột với bán kính khoảng từ 50km trở lên, điều kiện hạ tầng và đời sống người dân ở đây rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, hiểu biết về du lịch còn hạn chế, việc kêu gọi đầu tư du lịch gặp nhiều khó khăn.
Với thực tế trên, theo tôi, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt hơn đối với vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cụ thể về cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, thông tin liên lạc); về giá thuê đất, thuế đất, giá điện, nước; về bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường; về tuyên truyền, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, kể cả đào tạo cho người dân làm du lịch;…
Nghị quyết cũng nêu rõ: Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Vậy, Nhà nước cần có hỗ trợ cụ thể gì, theo ông?
Theo tôi, đầu tiên Nhà nước cần phải tuyên truyền, quán triệt để các cấp, các ngành và từng người dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Tiếp theo, huy động các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong nước thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch, tích cực chủ động tham gia và phát huy vai trò để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, tạo động lực phát triển và nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” trên thị trường điểm đến.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giá thuê đất, thuế đất, giá điện, nước, cơ sở hạ tầng,… để thu hút người dân tham gia đầu tư vào du lịch nhằm góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Diệu Vũ thực hiện