Đắk Lắk là một tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên, không chỉ được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, Đắk Lắk còn là vùng đất du lịch nổi tiếng. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của núi rừng trùng điệp, đại ngàn xanh thẳm kỳ bí với những hồ nước, thác nước tuyệt đẹp. Trong đó nổi bật là những địa danh hấp dẫn, độc đáo như Buôn Đôn nổi tiếng, đứng đầu Đông Nam Á về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Những ngọn thác hùng vĩ như Dray Sáp thượng, Krông Kmar, Thủy Tiên, Dray Nur, Dray Nao, thác Bay… nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đắk Minh, hồ Ea Nhái…,
các khu rừng nguyên sinh như: vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Ka… là những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn sự tìm tòi, khám phá của du khách.
Bên cạnh tiềm năng về du lịch sinh thái, Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, đầy huyền thoại với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã,…những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc, những lễ hội và phong tục độc đáo, âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng, những lời ca, điệu múa của cộng đồng 47 dân tộc anh em. Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những chiếc nôi của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005 và Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008.
Ngoài ra, Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc bản địa, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử trên mảnh đất cao nguyên đại ngàn. Các lễ hội đặc sắc như lễ hội cồng chiêng, lễ hội voi, lễ ăn trâu, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới…; các di tích lịch sử như Đình Lạc Giao – nơi ghi dấu ấn của những người đầu tiên khai thiên lập địa trên mảnh đất Tây Nguyên, Biệt điện Bảo Đại, di tích tháp Chăm Yang Prông, hang đá Đắk Tuar, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng là những điểm đến có sức hút với du khách.
Ngày 13/7/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (khóa XIV) đã ban hành Chương trình số 15-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 100.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng bình quân trên 25%/năm. Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; đầu tư nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đắk Lắk có tính cạnh tranh cao, bền vững; tích cực xúc tiến, quảng du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa; tăng cường liên kết vùng và hình thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch kết nối trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần nâng cao cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trước đó, ngày 30/8/2016 Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 định hướng phát triển du lịch một cách bền vững. Mục tiêu đề ra là phát triển du lịch theo hướng phát huy mạnh mẽ, đồng bộ các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung đầu tư xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm trung chuyển du lịch, dịch vụ của Đắk Lắk; hình thành và tạo sự kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch trong tỉnh cũng như với các khu du lịch, điểm du lịch trong khu vực; phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu đón hơn 4,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 400 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 4.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,93%/năm. Ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 02 ngày, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt bình quân 15,05%/năm. Ngành du lịch sẽ tạo được 16.300 việc làm, trong đó có 5.100 việc làm trực tiếp.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ngày 25/9/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch 7567/KH-UBND về quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017 – 2020, nhằm tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk, qua đó, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn,… góp phần thu hút và tăng nhanh lượng khách du lịch đến Đắk Lắk; tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch như: Dự án khu du lịch quốc gia, dự án khu thể thao, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp,…; phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch chất lượng cao, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch kết nối trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến Đắk Lắk, các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của du lịch tỉnh ra nước ngoài nhằm thúc đẩy lượng khách quốc tế đến với Đắk Lắk, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước nhằm nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn hóa trong du lịch với khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch nội địa.
Tổng kinh phí để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017 – 2020 dự kiến trên 18 tỷ đồng, được lấy từ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm của tỉnh và kinh phí được huy động từ các nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp tham gia và các nguồn hợp pháp khác. Một số hoạt động chính bao gồm: Xây dựng tài liệu, ấn phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở nước ngoài và phát triển Marketing điện tử phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trong thời gian qua, cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch voi tại Buôn Đôn, Hồ Lắk, du lịch sinh thái khám phá cảnh quan tại Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin; Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka và các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn tỉnh, ngành Du lịch Đắk Lắk đã không ngừng nỗ lực để làm mới và nâng cao hình ảnh của mình nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách. Có thể kể đến một số sản phẩm du lịch mới được xây dựng trong thời gian qua như: Chương trình biểu diễn Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với tên gọi Đắk Lắk – Âm vang đại ngàn được tổ chức định kỳ 2 số/tháng (vào lúc 20h00 tối thứ Bảy tuần thứ 2 và tuần cuối tháng) tại thành phố Buôn Ma Thuột đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến trải nghiệm và thưởng thức; Đồng thời dự kiến vào cuối năm nay, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê sẽ đưa sản phẩm du lịch mạo hiểm Đạp xe – Leo núi – Chèo thuyền tại cụm thác Dray Sáp Thượng – Dray Nur vào phục vụ khách du lịch, tạo ra sự đa dạng cho du khách lựa chọn khi đến du lịch tại Đắk Lắk. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch cũng đã được chú trọng đầu tư về cả số lượng và chất lượng. Tính đến cuối tháng 09 năm 2017, tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 196 khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, trong đó có 57 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng, gồm 49 khách sạn được xếp hạng từ Một sao đến Năm sao và 8 Nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Hệ thống giao thông đường hàng không, đường bộ đến Đắk Lắk và đến các điểm du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh, tạo thuận lợi kết nối giữa Đắk Lắk với hai trung tâm lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch ở các tỉnh lân cận. Cùng với đó, các trục giao thông hình thành nhánh của con đường xuyên Á bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Myanmar – Lào – Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y nối các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch các nước theo tuyến đường bộ này vào Tây Nguyên – Đắk Lắk .
Có thể nói, nhờ chú trọng vào công tác làm mới các sản phẩm du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trong thời gian qua mà số lượng khách du lịch đã tăng mạnh so với nhiều năm trước. Theo số liệu thống kê năm 2017, ngành Du lịch Đắk Lắk đón 703.000 lượt khách, tăng hơn 13% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế 67.000 lượt người, tăng 15,52 % so với 2016; khách nội địa 636.000 lượt, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu mang lại từ hoạt động du lịch trong năm đạt 610 tỷ đồng, tăng 1,67% so với kế hoạch và tăng 27,08% so với năm 2016; công suất sử dụng phòng đạt 61%. Với tốc độ này thì lộ trình phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu đón khoảng 1,3 triệu lượt khách là hoàn toàn khả thi.
Mới đây, Ngành du lịch Đắk Lắk đã tổ chức khảo sát, học tập một số mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía Bắc và tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến sẽ xây dựng khoảng 10 buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk để phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại các buôn: Akô Dhông, buôn Tour, buôn K’Mrơng Krông B (TP. Buôn Ma Thuột), buôn M’Liêng, buôn Triết (huyện Lắk), buôn Ya (huyện Krông Bông), buôn Tring (thị xã Buôn Hồ), buôn Kon H’ring, buôn Thái (huyện Cư M’gar) và buôn Yang Lành (huyện Buôn Đôn). Bên cạnh đó, công tác khảo sát để phát triển các khu, điểm, tour du lịch mới tại huyện Ea kar và huyện Lắk cũng đã được triển khai nhằm đưa vào quy hoạch để sớm đầu tư khai thác.
Vừa qua, Chính phủ đã đưa Đắk Lắk vào danh mục các trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lập Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Yok Đôn, một trong 47 khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để du lịch Đắk Lắk cất cánh trong thời gian tới.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung kiêu gọi đầu tư xây dựng 4 dự án du lịch trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 gồm: Khu du lịch quốc gia Yok Đôn với diện tích 1.500 ha (Chưa bao gồm vùng đệm xung quanh), vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.750 tỷ đồng; Điểm du lịch quốc gia Hồ Lắk, diện tích khoảng 200 – 400 ha (chưa tính diện tích mặt nước hồ Lắk khoảng 600 ha), vốn đầu tư dự kiến 3.375 tỷ đồng; Sân Golf 18 lỗ tại huyện Buôn Đôn, diện tích 150 ha, vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng và Khu du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin với trên diện tích 838 ha, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Khi các dự án du lịch này được đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác, tương lai không xa, ngành du lịch Đắk Lắk chắc chắn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như định hướng của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 15-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (khóa XIV) đã đề ra./.