![]() |
Phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống. Ảnh: internet |
Một lần đến dịch vụ homestay duy nhất dưới chân đồi Cư Hlâm (buôn Êa Măp, xã Ea Pôk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak), người viết đã được mãn nhãn không chỉ với kiến trúc đậm chất Ê Đê mà còn bởi nội thất độc đáo. Từ khăn trải bàn đến drap trải giường và gối đều được tạo điểm nhấn bằng hoa văn thổ cẩm, đem lại cảm giác cực kỳ ấn tượng. Đến homestay số 9 Triệu Việt Vương, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ta cũng lại được “tắm mình” trong sắc màu thổ cẩm với các họa tiết đẹp ngất ngây. Chắc hẳn những chị em cuồng thổ cẩm và phong cách vintage, phong cách bohemian sẽ không khỏi mê mẩn khi cứ 1 m2 ở đây là một góc chụp đẹp mê mẩn được trang trí với những họa tiết thổ cẩm ảo diệu khi lên hình. Chỉ việc bận những bộ trang phục thổ cẩm xinh xắn rồi đứng vào không gian ấy là hoàn hảo.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay, những bức tranh thổ cẩm cũng được đánh giá rất cao về tính thẩm mỹ. Tranh thổ cẩm đã được sản xuất từ khá lâu nhưng mãi đến thời gian gần đây mới được nhiều người sử dụng để trang trí. Tranh thổ cẩm rất đa dạng và đặc sắc nên có thể đáp ứng được bất cứ sở thích và yêu cầu nào của người sử dụng. Những sắc màu thổ cẩm ấy sẽ giúp giảm áp lực và căng thẳng trong công việc một cách hết sức hiệu quả. Vì vậy, đừng quên sử dụng tranh thổ cẩm để làm cho không gian phòng làm việc của bạn trở nên sinh động hơn.
Tuy nhiên, tại Gia Lai, việc đưa thổ cẩm vào không gian sống dường như còn khá hạn chế, chưa thật sự phát huy đầu ra để giúp các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngoài đam mê, bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống còn có nguồn thu nhập ổn định. Tại một số khách sạn lớn ở TP. Pleiku, nơi trưng bày, giới thiệu hàng thổ cẩm ở khu vực lễ tân còn rất thưa thớt, đơn điệu, các mặt hàng kém phong phú. Tại Trung tâmThương mại Pleiku có trên 10 sạp hàng bán thổ cẩm với các mặt hàng khá phong phú nhưng sắp xếp tùy tiện, ngoài thổ cẩm ra thì còn bán vô số thứ hàng hóa khác nên thật sự không hấp dẫn người mua. Một người bán hàng còn khá trẻ tên Ngọc Nhung (SN 1997) chia sẻ: “Sạp hàng của tôi bán đủ các mặt hàng thổ cẩm như vải, chăn, khăn, túi, ba lô các loại nhưng ít người hỏi mua. Có mặt hàng bày lâu ngày nên bị bạc màu theo thời gian”.
Nếu quan tâm và biết cách tôn vinh thì thổ cẩm là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, giúp tạo ra những dịch vụ và sản phẩm du lịch độc đáo. Vì thế cần lắm sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, ban ngành liên quan để quảng bá, phát huy vẻ đẹp riêng có của thổ cẩm. Thiết nghĩ, tại sao ta không lựa chọn 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai (đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố năm 2017) để tổ chức, đầu tư những gian hàng đúng nghĩa giới thiệu các mặt hàng lưu niệm đặc trưng vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm du lịch được làm từ thổ cẩm?
Y Phương