Ngày 27/12/2019, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2019 và đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2020.
Theo báo cáo của Trung tâm, trong năm 2019, được sự quan tâm sâu sát, thường xuyên chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc; sự hỗ trợ của các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VHTTDL; sự tham gia phối hợp tích cực của Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; cùng với sự nỗ lực, phát huy tính chủ động của tập thể công chức, viên chức, người lao động Trung tâm nên năm 2019 Trung tâm đã hoàn thành những nhiệm vụ công tác được giao, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước góp phần không nhỏ vào kết quả chung của ngành du lịch Đắk Lắk năm 2019.
Trung tâm đã tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước như: Hội chợ VITM Hanoi 2019; Hội chợ Du lịch, Ẩm thực và Đặc sản Phú Yên năm 2019; Hội chợ Hana Tour – Hàn quốc 2019 ; Hội chợ ITE-HCMC 2019… Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhằm quảng bá và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch tại tỉnh Đắk Nông; Hà Tĩnh; tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng; Học tập mô hình du lịch cộng đồng và dịch vụ homestay tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhờ đó góp phần tiếp thị hình ảnh và thương hiệu du lịch của địa phương bằng nhiều hình thức như giới thiệu tập gấp, bản đồ, thông tin du lịch, đĩa DVD du lịch, thông tin về tiềm năng của tỉnh nói chung và doanh nghiệp nói riêng cho các nhà đầu tư, khách tham quan hội chợ… đã thu được nhiều thành quả quan trọng, trong đó hiệu quả hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh đã phát huy sức mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư xây dựng các sản phẩm mới để phục vụ du khách… thể hiện cụ thể qua số liệu về số lượng khách đến với Đắk Lắk tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL Đắk Lắk trong năm 2019, tổng lượt khách ước đạt 950.000 khách, đạt 100% KH và tăng 17% so với năm 2018. Trong đó: Khách quốc tế ước đạt 90.000 lượt khách, đạt 100% kế hoạch và tăng 18,42% so với năm 2018; khách trong nước ước đạt 860.000 lượt khách, đạt 100% kế hoạch và tăng 16,85% so năm 2018. Doanh thu ước đạt 1.050 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch và tăng 37,98% so với năm 2018.
Việc quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch Đắk Lắk trên trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội luôn được Trung tâm không ngừng cải thiện, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tin bài, thông tin, cụ thể: Trong năm 2019, trang thông tin điện tử của Trung tâm (daktip.vn) đã cập nhật hơn 2.300 tin bài về tour du lịch, sản phẩm du lịch, các sự kiện du lịch… và đã thu hút nhiều sự quan tâm, theo dõi của du khách trong và ngoài nước với tổng số lượt người truy cập website là hơn 3 triệu lượt, trung bình hơn 8.200 lượt người/ngày. Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở rộng nhiều hình thức quảng bá giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh trên các trang mạng xã hội như: Facebook được cập nhật thông tin hằng ngày với hơn 2.360 tin,bài và hiện có 5.969 người theo dõi; Kênh Youtube đã cập nhật tổng cộng 71 video clip giới thiệu về du lịch Đắk Lắk với 200 người đăng ký; tổng lượt người xem là 156.818 lượt xem, trong đó riêng Clip 5 phút quảng bá du lịch Đắk Lắk có 138.378 lượt xem….
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức một chuyến FAMTRIP mời các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An và tỉnh Jeollabuk – Hàn Quốc đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Đắk Lắk từ ngày 22-25/11/2019 nhằm kết nối, thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk và tổ chức buổi tọa đàm giữa các nhà lãnh đạo, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch giữa các tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác với nhau để thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên tình hình kinh tế xã hội nói chung, kinh doanh du lịch nói riêng trong năm vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến tình hình thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk nói chung và thu hút các dự án đầu tư vào phát triển du lịch nói riêng như: Cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đươc đầu tư hoàn chỉnh, các sản phẩm dịch vụ du lịch còn đơn điệu, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk; các doanh nghiệp du lịch Đắk Lắk vẫn chưa xây dựng được các chương trình du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút thêm các thị trường và khách du lịch mới; Các khu du lịch, điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư, phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí một cách đồng bộ, hấp dẫn, có khả năng thu hút, giữ chân khách du lịch tham quan, lưu trú dài ngày hơn tại Đắk Lắk; Trình độ, năng lực quản lý, điều hành, khai thác du lịch của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch còn nhiều bất cập, hạn chế đến việc phát triển du lịch của tỉnh, khả năng khai thác, mở rộng thị trường ra nước ngoài của các công ty lữ hành còn yếu, nguồn lực dành cho công tác xúc tiến, quảng bá còn nhiều khó khăn nên chưa tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ngoài nước và trong khu vực để thu hút du khách và nhà đầu tư nước ngoài đến với Đắk Lắk; Chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn thấp, thiếu cán bộ có trình độ cao ở các lĩnh vực chuyên ngành như: hướng dẫn viên du lịch, marketing du lịch, lữ hành du lịch, lễ tân khách sạn nhà hàng… để hình thành đội ngũ cán bộ chuyên môn hóa trong hoạt động du lịch …
Nguyên nhân của những tồn tại nói trên trước hết là do địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vì cơ chế, chính sách về đầu tư không có gì đặc biệt, ưu đãi hơn so các vùng khác, trong khi điều kiện về địa lý, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Thứ hai là nhận thức của các ngành và doanh nghiệp chưa đánh giá đúng vai trò của quảng bá, xúc tiến du lịch; cách đánh giá hiệu quả của xúc tiến du lịch còn lệch lạc, không cần thực hiện tuyên truyền quảng bá; chưa nhìn thấy được sự cần thiết của xúc tiến và lợi ích gia tăng nếu xúc tiến du lịch được đầu tư thỏa đáng. Thứ ba là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chương trình có liên quan đến phát triển du lịch chưa thật chặt chẽ, đồng bộ. Trách nhiệm và sự thiếu ổn định của các thành viên Ban chỉ đạo phát tiển du lịch của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Thứ tư là cảnh quan môi trường, tài nguyên du lịch tại các thác nước tự nhiên như Thác Bảy nhánh (huyện Buôn Đôn), Thác Krông Kmar (huyện Krông Bông); Thác Dray Nur, Dray Sap Thượng (huyện Krông Ana)… ngày càng suy kiệt nghiêm trọng do thủy điện, ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ du lịch, đồng thời tác động tiêu cực đến công tác thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch.…sau cùng là nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá còn nhiều hạn chế, bất cập nên chưa tạo được sự thay đổi căn bản về chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.
Cũng tại hội nghị này, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2020 nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa khách du lịch trong năm tới như: Tham gia thực hiện và hỗ trợ triển khai chương trình du lịch thông minh của tỉnh; Thực hiện công tác quảng bá du lịch của tỉnh trên Tạp chí Du lịch, đặt paner trên website của Tổng cục Du lịch; các kênh truyền thông, các đài truyền hình địa phương và trung ương; Tiếp tục nâng cấp giao diện, bổ sung thêm một số tích năng mới, tăng cường cập nhật nhiều tin, bài, hình ảnh trên website Trung tâm … để thông tin, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh đến với đông đảo người dùng trên mạng internet; Thu thập, tìm kiếm thông tin, bổ sung và làm mới các hình ảnh về các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên cung cấp thông tin về tiềm năng, sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương đến các cơ quan báo trung ương và địa phương; Cập nhật, bổ sung thông tin sách “Cẩm nang Du lịch Đắk Lắk”; Bản đồ du lịch Đắk Lắk; Tiếp tục quảng bá video clip du lịch Đắk Lắk (5 phút) trên các phương tiện tuyền thông, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các khách sạn, nhà hàng, cảng hàng không…; Triển khai việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước đã ký kết với tỉnh Đắk Lắk.
Trong công tác xúc tiến du lịch, sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Đắk Lắk tại các ngày Lễ hội lớn của tỉnh; đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 45 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột; Tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài nước như: Ngày hội Du lịch Tp. Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch quốc tế – Việt Nam VITM Hanoi; Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE – Tp. HCM; Tham gia các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia và các hội chợ khác cùng với các tỉnh đã ký kết liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2019 – 2025…; Tham gia một số hội trợ triển, lãm du lịch cùng Tổng cục Du lịch tại các nước trong khối ASEAN (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…); Phối hợp với Tổng cục Du lịch mời doanh nghiệp và báo chí các nước Châu Âu: (Pháp, Anh, Đức) hoặc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến khảo sát, viết bài về du lịch Đắk Lắk; Phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khảo sát, nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch mới; Tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu thị trường, khảo sát, kết nối du lịch với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc,…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020 mang lại hiệu quả như mong muốn, Trung tâm kiến nghị các cơ quan cấp trên cần thực hiện một số đề nghị sau nhằm góp phần đưa ngành du lịch Đắk Lắk tiến nhanh hơn như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, điểm du lịch về công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội và công tác vệ sinh môi trường nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo bình đẳng, an ninh, an toàn trong hoạt động kinh doanh du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến, vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên với đậm đà bản sắc văn hóa của 47 dân tộc anh em cùng chung sống, cùng với rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: lễ hội voi, lễ hội cồng chiêng, lễ hội cà phê, đua thuyền độc mộc… đến với du khách, doanh nghiệp du lịch, báo chí nhằm tạo hiệu ứng quảng bá lan tỏa, khẳng định thương hiệu văn hóa đến khách du lịch trong và ngoài nước; Ủy ban nhân dân tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình đầu tư, xây dựng và khai thác các điểm du lịch, khu du lịch nhằm hạn chế những dự án treo cũng như tình trạng đầu tư nhỏ giọt, không đảm bảo tiến độ do nguồn lực tài chính hạn chế; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách theo Kế hoạch số 7567/KH-UBND, ngày 25/9/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020 nhằm đảm bảo nguồn lực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, để có thể thu hút ngày càng nhiều du khách cũng như nhà đầu tư đến với Đắk Lắk…
Trên cơ sở những thành công của năm 2019 và triển khai nhiện vụ công tác trong năm tới, hy vọng trong năm 2020, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk sẽ gặt hái được những thành quả lớn hơn nữa để góp phần sớm đưa ngành du lịch Đắk Lắk trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.