
Tây Nguyên được xem là một trong những vùng đất huyền bí vào loại bậc nhất Việt Nam. Về nhân chủng học, từ ngàn xưa, vùng đất này đã là chốn ngụ sinh của một số dân tộc thuộc hai nhóm ngôn ngữ chính là Mã lai – Đa đảo, Môn – Khmer và đều có chung một hình thức sinh hoạt cộng đồng, đó là thói quen sống hiền hòa thành từng buôn, plei. Mỗi buôn làng, mỗi plei được lãnh đạo bởi một thủ lĩnh hoặc tù trưởng. Với người dân Tây Nguyên, tù trưởng được xem như cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, là người trông nom anh em con cháu trong làng. Người dân trong buôn trước khi quyết định việc gì phải hỏi ý kiến của thủ lĩnh. Điều này cho thấy uy tín, vai trò tinh thần của các thủ lĩnh này trong cộng đồng dân cư rất cao.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên, “Vua Lửa” có nguồn gốc bản địa, do xã hội người Tây Nguyên suy tôn lên, từ khoảng thế kỷ thứ XIV-XV. Không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với một số dân tộc ở khu vực Cheo Reo (tức vùng A Yun Pa thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay), vào một số thời điểm nhất định, những Mơ Tao Pui (tức Hỏa Vương) còn mở rộng vai trò của mình sang các vùng phụ cận.
Trong khi đó, quyền lực của Mơ Tao Ea (tức Thủy Xá) thì bao trùm khu vực Plei Kly nằm ở phía Tây Bắc Cheo Reo, tức khu Gia Lai giáp với huyện Ea Hleo của Đắk Lắk bây giờ. Ảnh hưởng của hai thủ lĩnh mạnh đến nỗi, ngày nay trong những câu chuyện dân gian của các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn lưu truyền hai câu ca: “Aê Tụ ti ngõ, Aê Bõ ti yũ”, có nghĩa là “Ông Tụ phía Đông, Ông Bọ ở phía Tây”. Ông Tụ tức Hỏa Xá, ông Bọ tức Thủy Xá. Đây là vùng đất khi xưa có tên gọi là Cheo Reo, nơi được xem là quê hương của các Mơ Tao Pui.
Bị vây quanh tứ bề bởi những dãy núi cao hùng vĩ, nên từ lúc khởi thiên tạo hóa, thung lũng Cheo Reo luôn phải gồng mình chịu đựng sự khắc nghiệt của trời đất. Lượng mưa trung bình hàng năm không cao, nên phần lớn các hoạt động sản xuất của người dân phải dựa vào thiên nhiên.
Để cầu trời đất ban phát cho buôn làng, plei có nước cho cây lúa sinh sôi nảy nở; để con trâu, con bò có nước để tắm, có cỏ để ăn, người dân thường xuyên tổ chức các lễ cúng. Trong các lễ hội ấy phải có người đứng đầu, làm nhiệm vụ thay mặt cho vạn dân truyền đạt yêu cầu, nguyện vọng của toàn thể buôn làng, của plei đến với đấng siêu nhiên. Và đây chính là điều kiện cần và đủ để các bậc thủ lĩnh tâm linh ra đời mà ở vùng đất Cheo Reo, thủ lĩnh đó chính là Mơ Tao Pui.
Theo các tài liệu còn lưu lại, tính đến thời điểm này, Mơ Tao Pui đã được truyền cả thảy 15 đời. Từ đời thứ 4 trở đi, tất cả đều là con cháu dòng họ Siu cao quý của dân tộc Jrai. Theo truyền thuyết lưu truyền ở Plei Ơi thì người đầu tiên nắm giữ chức Mơ Tao Pui có tên là Ksor Chlỡi. Sau khi vị Mơ Tao Pui đầu tiên bị giết, chức vụ này truyền cho 2 đời nữa trước khi chính thức chuyển giao lại cho dòng họ Siu. Tuy nhiên, đến khi Siu A Luynh, vị Mơ Tao thứ 14 qua đời, ông không có người kế vị nên vị trí Mơ Tao Pui đời thứ 15 tạm thời được chuyển giao cho Rơ Lan Hieo, một phụ tá thân cận của Siu A Luynh.
Như đã nói, các vị Mơ Tao đóng vai trò như là người chủ trong các lễ hội thông giao với đấng thần linh. Và một khi nhắc đến các lễ hội, không thể không nhắc đến những nhạc cụ, linh vật gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của tuyệt đại đa số các dân tộc Tây Nguyên, đó là cồng chiêng, trống gọi thần, ché đựng rượu… Những vật dụng liên quan đến các Mơ Tao Pui thiêng hơn bội phần những vật dụng thông thường.
Tuy nhiên, tất cả những thứ trên chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc xác lập và khẳng định uy quyền của Mơ Tao Pui, bởi nếu không có thanh gươm thiêng thì quyền lực của Vua Lửa chỉ là một con số không tròn trĩnh. Theo truyền thuyết, sở dĩ thanh gươm linh thiêng, đóng vai trò như là linh vật thể hiện quyền năng của một Mơ Tao là bởi nó có một sức mạnh vô cùng huyền bí, có khả năng chi phối sự sống con người.
Một trong những dị bản của truyền thuyết kể rằng: Thuở xưa, ở thung lũng Cheo Reo có hai anh em nọ. Trong lúc rèn gươm, họ thấy một sự việc vô cùng kỳ lạ, một trong hai thanh sau khi rèn xong cứ đỏ rực mãi không thôi; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông cạn nước… Chỉ đến khi những giọt máu vô tình của một trong hai người rơi vào thì thanh gươm mới chịu nguội… Cho rằng thanh gươm có thể hút được máu người, có thể định đoạt được sự sống, nên kể từ đó, họ đã suy tôn nó thành vật thiêng, thành biểu tượng sức mạnh dành riêng cho các Mơ Tao Pui ở thung lũng Cheo Reo.
Và cũng chính từ yếu tố linh thiêng đó mà chỉ khi lễ hội cầu mưa hoặc một vài lễ hội linh thiêng khác, thanh gươm này mới được mang ra. Thực tế rất ít người được dịp nhìn thấy nó. Cheo Reo từ hàng thế kỷ qua là nơi lưu giữ gươm thiêng cũng như tổ chức các nghi thức cầu mưa mỗi khi thiên nhiên thịnh nộ.
Hiện nay, dòng họ Siu đã không còn người kế tục Vua Lửa. Mặc dù được chọn để kế vị, nhưng Rơ Lan Hieo vốn chỉ là người giúp việc, không thuộc dòng họ Siu danh giá nên việc sở hữu gươm thiêng, kế tục sự nghiệp của Vua Lửa ít nhiều mất đi giá trị, trong suy nghĩ của các dân tộc nơi thung lũng Cheo Reo huyền bí. Một lý do nữa là xuất phát từ sự tiến bộ của khoa học, các hệ thống thủy nông thủy lợi đã phát triển, mùa vụ không còn ảnh hưởng nhiều đến điều kiện tự nhiên nên vai trò của những lễ hội, của Mơ Tao Pui cũng giảm dần.
Tài sản để lại Mơ Tao Ea, tức Vua Nước, cũng giống như vị Mơ Tao Pui ở thung lũng Cheo Reo, đó một thanh gươm thần cất giấu ở rừng thiêng và chỉ được mang ra trong các lễ hội cầu mưa.
Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng vì xuất phát cùng một mục đích, đó là cùng nhau cầu cho mưa thuận, gió hòa, cùng làm cầu nối mang lời nguyện cầu của muôn dân làng đến với thần linh mà giữa hai vị Mơ Tao cai quản hai vùng đất nằm cạnh nhau có một sự xung khắc như lửa với nước và để rồi từ đó ra đời hai tên gọi gần như đối nghịch nhau là Thủy Xá và Hỏa Xá?
Có thể thấy rằng, sự xuất hiện của những vị thủ lĩnh thần quyền mà trong đó, Thủy Xá và Hỏa Xá là một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống của người Tây Nguyên. Bởi đây chính là một trong những điểm tựa quan trọng vào loại bậc nhất để họ vượt qua sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên, góp phần vào tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử của vùng đất cao nguyên huyền bí nói riêng.
Ngoài ra, do điều kiện sống khắc nghiệt nên từ ngàn xưa, hai thứ vật chất nằm trong thuyết ngũ hành là lửa và nước đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Tây Nguyên và đó chính là những nguyên nhân chính hình thành nên tên gọi Thủy Xá và Hỏa Xá trường tồn cho đến tận ngày nay.
Minh Nguyễn