Tác động của 4 đợt dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác. Nguy cơ thiếu nhân lực du lịch được cảnh báo khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Chị Phạm Thanh Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) trước đây làm nhân viên một khách sạn trên phố cổ. Dịch COVID-19 xảy ra, khách sạn đóng cửa cả năm nay, nên chị cũng phải nghỉ việc. Trong thời gian nghỉ việc lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, chị Nga đi học thêm nghề làm bánh và cùng một người bạn mở shop bán bánh online. “Công việc kinh doanh ổn định nên tôi và bạn tính mở cửa hàng khi dịch được khống chế”, chị Nga chia sẻ.
Đào tạo thực hành nghề bếp tại trường Trung cấp du lịch Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thời gian qua cũng lâm vào cảnh đóng cửa như khách sạn nơi chị Nga công tác, nhân viên vì vậy cũng hầu hết phải nghỉ việc.
Còn một số doanh nghiệp, để có thể chuẩn bị cho tương lai mở cửa trở lại, đã chọn giải pháp duy trì một lượng nhân lực nhất định.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Hiệp hội Vietnam F&B Managers Association (Hội Những nhà quản lý ẩm thực Việt Nam) cho biết: “Đến nay, 98% các nhà hàng phục vụ cho hoạt động du lịch đều đóng cửa. Cửa hàng của tôi cũng trả mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi vẫn cố thu xếp trả một phần lương cho khoảng 30% lực lượng chủ chốt, với điều kiện khi mở lại nhà hàng sẽ đi làm lại. Đây là lúc hai bên cùng chia sẻ khó khăn và giữ lại nguồn nhân lực chủ chốt khi phục hồi. Hiện đơn vị đang chuyển hướng kinh doanh thực phẩm sạch để duy trì”.
Tương tự, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên phong Travel cho biết: Hiện đơn vị cũng chỉ duy trì 20% nhân lực so với trước khi có dịch. Các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Doanh nghiệp không thể duy trì nhân lực đầy đủ như trước vì liên quan nhiều đến yếu tố tiền lương, chi phí hoạt động. Trong giai đoạn này, công ty cũng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ nhân lực, chờ khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 5 trở lại đây, có trên 95% doanh nghiệp du lịch (cả lữ hành và lưu trú) tạm dừng hoạt động. Tình trạng này khiến hơn 90% lực lượng lao động nghỉ việc do không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động. Trong 2 năm qua, do dịch COVID-19, khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc. Nhiều đơn vị chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm “bộ khung” cho sau này phục hồi”.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: Doanh nghiệp du lịch qua gần 2 năm chống dịch COVID-19 gần như kiệt quệ. Số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 31,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất phòng trung bình cả nước 9 tháng đầu năm 2021 đạt dưới 10%. Tình hình hoạt động này ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và qua đó tác động đến lao động, việc làm trong ngành.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhân lực lao động ngành du lịch đa số không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Việc rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch. Đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có và sẽ đặt ra bài toán phải đối diện trong tương lai
Nhân lực cho giai đoạn phục hồi
Theo các doanh nghiệp du lịch, dịch COVID-19 đang khiến thói quen du lịch thay đổi, xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này.
Thực hành hướng dẫn của sinh viên Khoa Du lịch (Trường ĐH khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ảnh: CTV
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, không ít đơn vị bên cạnh việc xây dựng các chương trình, sản phẩm mới, đã lên kế hoạch đào tạo nhân lực. Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đơn vị đã đào tạo trực tuyến cho gần 60 cán bộ, người lao động về kỹ năng tiếp cận, quảng bá, xây dựng sản phẩm và xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm. Vấn đề an toàn trong việc tổ chức tour trong giai đoạn này được đặt lên hàng đầu.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tư nhân cũng có kế hoạch riêng trong việc giữ chân lao động. Vừa qua, 6 đơn vị du lịch hoạt động tại Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí cho lực lượng lao động du lịch. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA travel cho biết: Đây là mô hình đào tạo thực chiến không chỉ cho nhân viên du lịch mà cả sinh viên; trong đó chú trọng tính an toàn khi tổ chức tour, với các hoạt động như khai báo y tế, đón nhận khách, xây dựng sản phẩm…
“Đúng là hiện nay nhiều người đã chuyển nghề khác nhưng khi du lịch hoạt động trở lại, nếu thu nhập tốt sẽ vẫn lôi kéo lại lao động trở lại ngành. Tuy nhiên, du lịch giai đoạn này sẽ phục hồi từ từ theo hình thức sống chung với dịch và cần có tiêu chuẩn an toàn rõ ràng. Khác hẳn với 3 đợt bùng dịch trước, khi hết dịch là người người đi du lịch và du lịch tăng trưởng thẳng đứng hình chữ V. Còn lần này sẽ khác hẳn nên vấn đề nhân lực sẽ không quá căng thẳng”, ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định.
Còn ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Flamingo Travel cho rằng: Do giai đoạn phục hồi du lịch này diễn ra từ từ nên nhân lực mảng lữ hành sẽ không quá bức bách. Tuy nhiên, nhân lực lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nhất là nhân lực theo tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao sau này sẽ gặp khó khăn, nhất là trong trung hạn và dài hạn.