Những năm gần đây, du lịch Đắk Lắk có sự phát triển mạnh mẽ, đáng ghi nhận cả về quy mô và chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, những kết quả mà ngành du lịch tỉnh đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chưa khẳng định được vai trò là một trong những ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến du lịch Đắk Lắk chưa phát triển tương xứng như: kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư đúng mức; sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, chưa thật sự hấp dẫn; việc thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống chính sách về lĩnh vực du lịch còn nhiều bất cập… Để đưa du lịch tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, cần hoạch định giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, trong đó nhiệm vụ then chốt là chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách về du lịch.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế…
Khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong những giải pháp để phát triển du lịch. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã xác định hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch cộng đồng Kô Tam. Ảnh: Lan Anh |
Tại Đắk Lắk, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung và thể chế, chính sách về du lịch nói riêng trong những năm qua cũng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng.
Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh có 6 văn bản điều chỉnh trực tiếp đến du lịch còn hiệu lực thi hành gồm: Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND, ngày 6/7/2012 của HĐND tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016); Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND, ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND, ngày 6/5/2016 về quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh; Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND, ngày 11/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, còn có các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thuế, đầu tư có liên quan đến phát triển du lịch tỉnh.
Nhìn chung, hệ thống quy định pháp luật tỉnh có liên quan đến phát triển du lịch tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch còn hạn chế, chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh du lịch… Bên cạnh đó, Nghị quyết về quy hoạch phát triển tổng thể du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không còn phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Du lịch năm 2017, Quyết định số 147/QĐ-TTg; còn thiếu các chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch trong tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường.
Các nhiệm vụ cụ thể trong công tác hoàn thiện thể chế cần thực hiện như: ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các điểm du lịch của tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch phát triển sản phẩm mới, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động, xúc tiến quảng bá, phục hồi và phát triển thị trường du lịch; tăng cường công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật.
Đặc biệt, sau khi quy hoạch ngành du lịch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, cần tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần rà soát kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch, vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.