Ở xứ sở bạt ngàn đất đỏ bazan và trắng tinh khiết hoa cà phê, tôi đã được tắm mình trong những huyền thoại, truyền thuyết về vùng đất đậm đà bản sắc giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Nhờ những trải nghiệm hoang dại, ban sơ mà mộc mạc, tôi càng thêm yêu đất và người chốn này.
Trên dòng Sêrêpôk
Kỳ vĩ dòng sông chảy ngược Sêrêpôk
Men theo con đường đất đỏ dẫn vào Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), lần đầu tiên, tôi được trải nghiệm phóng xe máy giữa rừng khộp mùa thay lá. Thật may mắn khi trong hành trình 12 ngày khám phá dọc Tây Nguyên, tôi đã chọn đến Buôn Ma Thuột đầu tiên, chỉ để được lặng nghe những âm thanh xạc xào của lá rụng hay tiếng rì rào của gió giữa đại ngàn.
Gần 50km từ Y Wang vào đến trạm Drăng Phôk – nơi chúng tôi sẽ ghé thăm để được lắng nghe chuyện sông, chuyện rừng – tôi không khỏi háo hức mỗi khi bắt gặp khoảnh khắc những chiếc lá khộp rời cành, rơi lả tả. Rừng khộp là kiểu rừng thưa, cây lá rộng, chỉ thấy ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Tây Nguyên là nơi duy nhất có kiểu rừng này. Nơi chúng tôi ghé đến cũng là điểm bạt ngàn cây khộp với những chiếc lá vàng nhẹ nhàng buông mình khi gió lướt qua.
Xe lăn bánh qua gần 30km đường rừng, sự dịu mát và hoang sơ của đất trời Tây Nguyên khiến tôi không khỏi khấp khởi chờ đợi những trải nghiệm sắp tới. Tôi sẽ không bao giờ quên trải nghiệm đi thuyền dọc Sêrêpôk – dòng sông chảy ngược nổi tiếng tại Ban Mê.
“Nó là huyền thoại đấy! Hiếm có con sông nào đặc biệt như Sêrêpôk” – chú Tỉnh – cha của một cô bạn, người đã gắn bó với rừng và đất Tây Nguyên 20 năm – vừa điều khiển xuồng máy vừa tự hào kể về Sêrêpôk. Khởi nguồn từ hợp lưu của hai con sông K’rông Nô (sông cha) và K’rông Ana (sông mẹ), Sêrêpôk xẻ dọc Tây Nguyên, chảy qua những buôn làng của người M’nông, người Ê-đê, trở thành điểm nhấn của núi rừng Tây Nguyên với chiều dài hơn 300km.
Rừng khộp Tây Nguyên mùa thay lá
Dòng sông hùng vĩ mang trong mình những bí ẩn lạ kỳ khi không đổ nước ra Biển Đông mà chảy ngược lên thượng nguồn, hướng về tỉnh Stung Treng thuộc nước bạn Campuchia.
Dưới những vạt nắng xiên khoai, chú Tỉnh say sưa kể về những đêm trường dòng sông ì ầm gào thét. Ngay cả vào ban ngày, tôi cũng cảm nhận được phần nào sức sống và sự hiểm trở của dòng sông khi nghe âm thanh hoang dã và dữ dội ấy.
Trên hành trình đến nước bạn Campuchia, Sêrêpôk đã tạo nên nhiều kiệt tác thác, ghềnh hùng vĩ: Dray Sáp, Dray Nur, Gia Long, Krông Kmar, Trinh Nữ…
Thác Dray Nur giữa bao la đất trời
Có dịp ghé đến cụm thác Dray Nur và Gia Long cùng những tay săn ảnh thứ thiệt, tôi càng thấm được sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây. Lại một lần nữa, Ban Mê cuốn tôi vào những sự tích bí ẩn, gợi lên nhiều liên tưởng thú vị.
Cũng giống như Sêrêpôk, thác Dray Nur cũng có những sự tích riêng. Bao đời nay, người ta truyền tai nhau câu chuyện tình yêu oan trái của một đôi nam nữ trong buôn làng; vì không thể đến với nhau, họ đã cùng gieo mình xuống lòng sông Sêrêpôk. Từ đây, sóng lớn dâng trào, chia cắt dòng Sêrêpôk thành hai nhánh, tạo nên hai con thác hùng vĩ: Dray Nur và Dray Sáp.
Bọt tung trắng xóa
Nhà cổ 130 năm tuổi và huyền thoại săn voi Buôn Đôn
Xuôi về hướng Ea Nuôl, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá một huyền thoại khác: căn nhà sàn hơn 130 tuổi của vua voi Buôn Đôn. Những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ bỗng ùa về khi lời bài hát thuở nhỏ về chú voi con ở bản Đôn cứ vang vọng trong tiềm thức. Tôi vẫn luôn thuộc lời ca ấy và mong có dịp đến bản Đôn (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Niềm hân hoan cứ trào dâng khi tôi biết Buôn Đôn chính là địa danh nổi tiếng khắp Đông Nam Á về nghề săn, thuần dưỡng voi rừng.
Ở khắp đất Buôn Đôn, ai ai cũng biết “ông tổ nghề săn voi” Y Thu Knul (1828 – 1938) cùng ngôi nhà cổ hơn 130 tuổi đời vững chãi qua ngần ấy thăng trầm lịch sử. Chuyến thăm nhà vua voi đã mang đến cho tôi những kiến thức thú vị về voi và những câu chuyện về huyền thoại săn voi xứ này.
Theo lời kể của chú Tỉnh, người dân Buôn Đôn kính trọng tôn Y Thu Knul làm tù trưởng bởi ông có công mở đất, lập vùng. “Ông tổ nghề săn voi” sống trong một ngôi nhà bằng gỗ được xây dựng theo lối kiến trúc chùa tháp Lào – Thái cùng cha là người Lào di cư đến Tây Nguyên và nên duyên vợ chồng với mẹ ông là người M’Nông.
Cũng từ đây, cuộc đời Y Thu Knul gắn với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với tổng số lượng gần 500 con. Nhiều tích hay về Y Thu Knul vẫn được các già làng kể lại, khiến thế hệ sau không khỏi trầm trồ, trong đó có chuyện Y Thu Knul săn được con voi trắng vô cùng quý hiếm. Con vật đặc biệt này được ông dâng tặng vua Xiêm (Thái Lan ngày nay). Đáp lại, vua Xiêm khi ấy cũng ban cho Y Thu Knul của cải, vàng bạc và phong tặng cho ông tên gọi theo tiếng Xiêm là Khun Yu Nốp (Khunjunob), nghĩa là “Vua săn voi”.
Ngôi nhà đậm chất Tây Nguyên
Vừa là “vua”, vừa là tù trưởng, ngôi nhà của Y Thu Knul chính là nơi đẹp nhất, lớn nhất buôn. Thời gian phủ bụi trăm năm, dù trải qua thăng trầm và khói lửa chiến tranh, ngôi nhà cổ vẫn lưu giữ được cấu trúc và đậm đà bản sắc M’Nông. Những loại gỗ tốt như căm xe, cà chít, giáng hương… cùng những viên ngói được làm thủ công tinh xảo đủ khiến du khách trầm trồ.
Nhiều thế hệ gia đình Y Thu Knul lớn lên trong căn nhà gỗ ấy và từ nơi đây lại có những huyền thoại con cháu nối tiếp những huyền thoại cha ông, như Ama Kông – truyền nhân cuối cùng của nghề săn voi tại Buôn Đôn, nức tiếng khắp nơi với những bài thuốc bí truyền hiệu nghiệm.
Là cháu vua voi Y Thu Knul, con rể vua voi Ama Pợ Pho Khăm Súc, Y Prung Êban (tên thường gọi là Ama Kông, 1909 – 2012) khi mới 17 tuổi đã trở thành thợ chính trong đoàn săn và huấn luyện voi. Gắn bó cả đời mình với nghề gia truyền này, Ama Kông cũng tiếp nối sự tài giỏi của “ông tổ nghề voi” khi săn được gần 300 con voi rừng, ba con bạch tượng quý hiếm. Những kỳ tích như không tưởng đó hiện hữu rõ nét qua những kỷ vật đang được trưng bày trong gian phòng khách của ngôi nhà.
Đó là chiếc mâm đồng được mang về từ Lào, do vua voi Y Thu Knul để lại cho con cháu – chiếc mâm có giá trị lớn về đời sống tín ngưỡng. Đó là sợi dây da trâu làm thòng lọng săn bắt voi. Sợi dây bền chắc có thể để ngoài nắng mưa suốt 100 năm mà không mục nát bởi công đoạn tạo ra nó đầy phức tạp và công phu. Người ta bện da trâu thành dây thừng, phơi khoảng ba tháng qua 90 lần nắng, 90 lần sương, tiếp tục đem gác bếp rồi làm lễ cúng, sau đó mới sử dụng.
Ngôi nhà cổ hơn 130 năm tuổi luôn nườm nượp khách ghé thăm không chỉ để được nghe về những huyền thoại săn voi, mà còn bởi nhiều người tò mò về phương thuốc bí truyền bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe phái mạnh do Ama Kông sáng chế.
Thăm Buôn Đôn nghe chuyện vua voi, tôi cảm giác như mình đã chạm gần hơn đến những huyền thoại, càng háo hức được chiêm ngưỡng những chú voi ở Bản Đôn.
Những vật dụng được trưng bày tại nhà cổ
Bí ẩn về núi đá Voi Mẹ Yang Tao “biết đi”
Khi tôi đưa cho Hằng – cô bạn đồng nghiệp người Đắk Lắk – xem bức ảnh chụp nhiều người trẻ xúm xít quanh đá Voi Mẹ, Hằng bật cười trêu rằng hẳn tôi cũng đang mong mỏi tìm kiếm tình yêu. Đến tận lúc được nghe Hằng kể về truyền thuyết “hòn đá tình yêu” tôi mới biết núi đá Voi Mẹ Yang Tao đâu chỉ là “hòn đá biết đi” mà còn mang trong mình nhiều giai thoại truyền miệng ly kỳ về tình cảm lứa đôi.
Từ Y Wang, trung tâm Buôn Ma Thuột, chúng tôi chạy xe gần 40km dọc theo Quốc lộ 27 để đến xã Yang Tao, huyện Lắk, tìm về đá Voi Mẹ Yang Tao – được mệnh danh là “tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam”. Vẫn biết đá Voi Mẹ Yang Tao ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, bí ẩn nhưng khi tận mắt chiêm ngưỡng ở khoảng cách gần, tôi không khỏi kinh ngạc vì sự đồ sộ của nó giữa đại ngàn.
Đá Voi Mẹ dài khoảng 200m, cao hơn 30m, trọng lượng khó có thể ước đoán. Ấy vậy mà nhiều thế hệ ở đây đều tin rằng đá Voi Mẹ Yang Tao đã dịch chuyển rất nhiều lần và tiến đến sát chân núi. Cách đó 5km, tảng đá Voi Cha nằm giữa cánh đồng lúa cũng được cho rằng đã không ít lần di chuyển để đến gần đá Voi Mẹ.
Cũng bởi sự ly kỳ ấy, không ít người gọi đá Voi ở Yang Tao là “hòn đá biết đi” và xem đây như biểu tượng của tình yêu lứa đôi. Tất nhiên, chẳng thể biết được thực hư của những giai thoại này nhưng với tôi, đá Voi Mẹ lại ẩn chứa nguồn năng lượng dồi dào khó lý giải. Tôi cảm nhận được một điều kỳ lạ tràn ngập trong từng nhịp thở, cơ thể bỗng trở nên nhẹ bẫng nhưng lòng lại hân hoan lạ thường.
Mâm đồng cổ dùng để cúng thần rừng, thần sông
Tôi mê mẩn ngắm nhìn tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam nằm sừng sững giữa bao la đất trời, bao quanh là hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin – mái nhà của Tây Nguyên. Đến Yang Tao vào một ngày lộng gió, thật không dễ để leo lên được đỉnh đá Voi Mẹ vì những tảng đá lớn ít chỗ bám, trơn và dốc thoai thoải. Thế nhưng nếu đủ kỹ năng, cẩn thận và vượt qua được nỗi sợ độ cao, hẳn bạn sẽ mãn nguyện khi được chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ tựa tranh vẽ khi phóng tầm mắt từ đỉnh đá Voi Mẹ xuống.
Cho đến tận lúc rời đi, lòng tôi vẫn rộn ràng khó tả. Thật khó để lý giải về điều đó. Có lẽ những điều bất ngờ thú vị vẫn đang chờ đợi tôi ở hành trình tiếp theo.