Sáng ngày 12/10/2022 tại Khu du lịch Champa Island Nha Trang, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Đến tham dự Hội thảo có ông Lê Hữu Hoàng -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch Tổng cục Du lịch; Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, các hàng không, cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch các tỉnh đến tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Sở VHTTDL Đắk Lắk trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, sản phẩm phục vụ du lịch, các danh lam thắng cảnh, ẩm thực, hàng lưu niệm đặc trưng, các tiềm năng thế mạnh về du lịch và sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch mới thúc đấy kích cầu du lịch tỉnh Đắk Lắk đến thị trường tiềm năng tại thành phố Nha Trang – Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ nhằm chia sẻ lượng khách quốc tế giữa Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây nguyên. Đồng thơi, Sở giới thiệu chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 năm 2022 với Chủ đề: “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của Cà phê thế giới” đến với các đại biểu, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết mục đích của hội thảo là nhìn nhận, đánh giá tình hình khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và đến Khánh Hòa nói riêng từ khi Chính phủ có chính sách mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Qua đây, các địa phương trong vùng liên kết tiếp tục thực hiện giải pháp đồng bộ cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam và đến với Khánh Hòa trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết cùng với sự phục hồi của du lịch Việt Nam, du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng đã có sự phục hồi hết sức mạnh mẽ.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình trình bày các tham luận: Định hướng phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế bền vững; Tình hình đón khách quốc tế, kết quả quá trình thực hiện chuỗi hoạt động kích cầu, liên kết du lịch, chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế 9 tháng đầu năm 2022, chương trình hợp tác phát triển du lịch Lâm Đồng và Khánh Hòa. Liên kết du lịch vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên để thu hút thị trường khách quốc tế; Vấn đề chuyển đổi số trong ngành du lịch; Giải pháp khôi phục và phát triển đường bay quốc tế đến Khánh Hòa, những giải pháp để thu hút thị trường khách du lịch quốc tế, trước mắt là khách du lịch Ấn Độ; Kinh nghiệm của thành phố Nha Trang trong tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của khách du lịch. Tại Chương trình Hội thảo đại diện của Vietjet Air đã giới thiệu các đường bay quốc tế chuẩn bị khai thác như Kazakhstan đến Cam Ranh và dự kiến sẽ khai thác đường bay Ấn Độ – Cam Ranh vào năm 2023. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh đã tặng hoa cho Hiệp hội Du lịch các tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và trao bằng khen khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất trong việc triển khai các hoạt động tổ chức thành công chương trình Liên hoan du lịch biển Nha Trang 2022.
Liên kết vùng, tạo ra sản phẩm du lịch mới
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch, nhận định liên kết vùng du lịch là yếu tố quan trọng cho phép bổ sung những lợi thế so sánh của từng vùng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Qua đó, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch khi đến với mỗi địa phương trong các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Lương cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ nâng cấp hạ tầng kết nối, chú trọng đối với Tam giác liên kết Nha Trang – Ninh Chữ – Đà Lạt. Trong đó có dự án phục hồi lại tuyến du lịch đường sắt răng cưa Phan Rang – Tháp Chàm – Đà Lạt và đường cao tốc nối Ninh Hòa -Khánh Hòa với TP Buôn Ma Thuột – ĐắkLắk.
Cần thực hiện việc đánh giá tính hiệu quả của mô hình liên kết vùng du lịch hiện nay, đặc biệt đối với cơ chế luân phiên Trưởng vùng. Thay vào đó cần xem xét thành lập Ban điều phối phát triển du lịch cấp vùng do lãnh đạo Bộ VHTTDL làm trưởng ban, thường trực là lãnh đạo Tổng cục Du lịch để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong điều hành liên kết vùng.