Trong thời gian tới Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cà phê, tăng hàm lượng chế biến sâu để gia tăng thương hiệu cà phê.
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.
Thưa ông, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thúc đẩy quảng bá tiêu thụ các sản phẩm cà phê Đắk Lắk được triển khai thế nào trong thời gian qua?
Trong thời gian vừa qua, hoạt động tuyên tuyền, quảng bá và các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê nói chung đã và đang được đẩy mạnh, với sự hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương cùng với sự nỗ lực của ngành và doanh nghiệp.
Các hoạt động tập trung vào việc khai thác lợi thế về điều kiện sản xuất, chất lượng nổi trội của sản phẩm cà phê gắn liền với chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cà phê chất lượng cao như: Tổ chức các cuộc thi về chất lượng cà phê: Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, thi pha chế cà phê tại các kỳ Lễ hội cà phê Buôn ma Thuột, Hội thi nhà nông đua tài…, tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cao chất lượng; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột thông qua các chương trình tham quan du lịch, hội nghị, hội thảo, du lịch nông nghiệp gắn với cà phê.
Ngành Công Thương cũng tổ chức cho doanh nghiệp tham dự các Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, gặp gỡ các nước, các Hội chợ triển lãm quốc tế để quảng bá cà phê như ở Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Úc…; cùng với các chương trình quảng bá cà phê gắn với các sự kiện văn hoá, du lịch và xúc tiến thương mại của ngành, địa phương như tổ chức tuần lễ văn hóa cà phê tại Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh, Cần Thơ….
Sản phẩm cà phê tỉnh Đắk Lắk được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm thực phẩm lên men quốc tế Jeonju năm 2022 tại Hàn Quốc ngày 20/10 vừa qua.
Cùng với đó, việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ hai năm một lần với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú đã góp phần xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk. Ngoài ra còn đẩy mạnh quảng bá trên các kênh thông tin truyền hình, báo, đài, cùng với hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông, quảng bá các sản phẩm cà phê chất lượng cao thông qua hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Qua đó từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và thế giới thông qua chương trình xúc tiến thương mại; tổ chức các cuộc thi cà phê Việt Nam hàng năm với quy mô toàn quốc, từng bước mở rộng ra khu vực và thế giới, tạo sân chơi cho chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao; tổ chức các cuộc hội thảo về cà phê cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm để phát triển và khai thác triệt để thị trường tiêu thụ cà phê chất lương cao nội địa.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã có những hoạt động gì để thúc đẩy công nghiệp chế biến cà phê phát triển, làm tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm?
Để thúc đẩy công nghiệp chế biến cà phê phát triển, làm tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, trên cơ sở chỉ đạo của UBDN tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương đã:
Một là, định hướng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản của tỉnh, nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước. Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu thuận lợi, thích hợp cho sản xuất cà phê đặc sản.
Hai là, tăng cường xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam đầu tư vào tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin giá cả, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu mới; tham gia các hội chợ chuyên ngành cà phê nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu cà phê.
Ba là, thường xuyên thông tin đến doanh nghiệp các văn bản, quy định của chính phủ, bộ ngành mới ban hành về các lĩnh vực như xuất, nhập khẩu, tài chính, thuế, hải quan…. Thường xuyên cập nhật thông tin từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt các thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt các nhu cầu của các địa phương tại các quốc gia trên thế giới để thông tin đến doanh nghiệp.
Vậy xuất khẩu cà phê đóng vai trò như thế nào trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thưa ông?
Tỉnh Đắk Lắk định hướng phát triển sản xuất cà phê bền vững gắn với công nghiệp chế biến sâu. Hiện nay, tỷ lệ cà phê xuất thô chiếm khoảng 95% và cà phê chế biến (cà phê hòa tan) chiếm khoảng 5% tỷ trọng tiêu thụ, xuất khẩu cà phê.
Hiện cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tỉnh Đắk Lắk trong 9 tháng đầu năm 2022 là 641.807.534 USD. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 55,96%.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện tốt các chính sách để thúc đẩy phát triển cà phê bền vững, nhất là hỗ trợ nông dân trong lĩnh vực tái canh, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu cà phê, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Đắk Lắk, góp phần đưa Đắk Lắk trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 21/8/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk được phân công thực hiện nhiệm vụ tổ chức Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và tổ chức hội nghị giao thương quốc tế giữa Nhà cung cấp cà phê và các sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, đây là các hoạt động diễn ra thường niên tại Lễ hội cà phê, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, kết nối cung cầu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị và từng bước khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cho đến nay, công tác chuẩn bị vẫn diễn ra theo đúng tiến độ, đảm bảo các hoạt động được chuẩn bị tốt nhất để Lễ hội được thành công tốt đẹp, góp phần đưa Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tiếp nối thành công hơn nữa. |