Biết tôi đi Đắk Lắk dự Trại sáng tác kịch bản phim truyện và phim tài liệu đề tài về Tây Nguyên nên ông Phạm Công Thắng, một cựu chiến binh từng nhiều năm “nằm vùng” ở Tây Nguyên, đã dặn: “Tây Nguyên được biết đến là vùng đất chứa đựng kho tàng văn hóa phong phú đa dạng và đặc sắc. Trong đó, kiến trúc nhà dài của dân tộc Ê Đê được ví như một công trình sáng tạo văn hóa độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của các thế hệ người Ê Đê nơi xứ sở đại ngàn.
Và tôi đã lên Đắk Lắk. Tôi không chỉ “có điều kiện”, mà còn hơn cả mong đợi, ngay sau khi khai mạc Trại sáng tác, các trại viên chúng tôi may mắn được PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Trường Đại học Tây Nguyên, tới nói chuyện đúng một buổi chiều.
Chị nói về văn hóa người Tây Nguyên nói chung, văn hóa người dân tộc Ê Đê nói riêng. Lần đầu tiên được nghe một người Tây Nguyên hiểu Tây Nguyên sâu và thấm nhiều đến mức chị được mọi người gọi là “nhà Tây Nguyên học” nên chúng tôi phải tranh thủ ngay, tranh thủ nghe chị nói về nhà dài của người Ê Đê như ông bạn cựu chiến binh đã gợi ý.
Theo đó, người Ê Đê Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ truyền thống và cho đến nay một gia đình người Ê Đê đều chung sống dưới một mái nhà của người vợ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến nhà vợ ở rể.
Giải thích “vì sao nhà lại dài, thậm chí rất dài”, PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung cho biết: “Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê thường rất dài vì là nơi ở chung của nhiều thành viên trong gia đình, có khi là của cả một gia đình, và cũng có khi là nơi ở của cả một dòng họ. Chính vì vậy nên mỗi khi trong gia đình hay trong dòng họ có một thành viên nữ nào đó lấy chồng hay nói cách khác là xây dựng gia thất thì ngôi nhà cùng chung sống ấy sẽ được nối dài thêm về phía sau”. Nhà Tây Nguyên học còn nói thêm:
“Một ngôi nhà dài ngoài mấy gian ngoài cùng, ngay cửa ra vào làm nơi sinh hoạt chung ra, thì sẽ có những gian ở phía sau danh cho từng gia đình nhỏ sinh sống. Do vậy nhà dài của người Ê Đê ngắn nhất cũng phải có chiều dài (chiều sâu) chừng 15m. Thậm chí có ngôi nhà dài dài tới cả trăm mét”. Vì vậy trong thực tế đời sống đã có những câu chuyện “huyền thoại” để nói về ngôi nhà dài, dài như tiếng chiêng ngân, bởi vì nhà dài đến mức đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi nhà là không còn nghe thấy gì nữa.
Theo đó, một ngôi nhà dài Ê Đê được phân chia thành hai phần chính và khá rõ rệt. Chị Tuyết Nhung cho hay: “Hai phần đó được gọi là Gah và Ôk. Phần gọi là Gah chính là phần nhà đằng cửa chính, đây chính là không gian tiếp khách, họp bàn việc chung của cả gia đình hay của dòng họ, là nơi tiến hành làm lễ cúng hoặc sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng”.
Về chuyện này chúng tôi đã được mục sở thị khi về thăm buôn Drai Điết, xã Dlie Yang, huyện Ea H’Leo. Sáng đó chúng tôi được Phòng Văn hóa thể thao huyện đưa về thăm buôn. Ngay tại sân trước một ngôi nhà dài chúng tôi được đón tiếp bằng một dàn cồng chiêng rộn rã do những người đàn ông Ê Đê đánh, cùng điệu múa suang nhún nhảy do các cô gái Ê Đê vừa nắm tay nhau vừa múa. Tiếp đó, đoàn chúng tôi được mời lên nhà, ngay tại gian chính, một gian nhà khá dài, đoàn chúng tôi tiếp tục được thưởng thức cồng chiêng và múa suang.
Thì ra bản cồng chiêng trước sân là bản chào đón khách, còn bản cồng chiêng cùng điệu múa suang ở trong nhà mới là bản chiêng chung vui. Đúng là một gian nhà dài đủ chỗ cho trình diễn của dàn cồng chiêng, cùng những nhịp chân của một đội múa suang. Ở chính giữa gian nhà, chỗ được biết gọi là Gah ấy, đã được gia chủ bầy sẵn một be rượu cần lớn, be này được dùng để mời khách. Bên cạnh be rượu lớn còn đặt sẵn những be rượu nhỏ hơn, đó là những be rượu để tiếp vào be lớn.
Trong tiếng chiêng ngân vang, trong tiếng nhịp chân nhún nhảy, mọi người trong đoàn chúng tôi tản ra hoặc là ngồi bệt trên sàn nhà, hoặc là dãn ra hai bên gian nhà. Chủ và khách vừa trò chuyện, vừa uống rượu cần và nghe cồng chiêng, cùng xem múa.
Sau khi đã uống mấy ngụm rượu cần thơm, ngọt và cảm thấy đỏ bừng gò má, tôi xin phép đi vào gian phía sau để quan sát được kỹ hơn về ngôi nhà dài này. Rất dễ dàng tôi đã nhận ra đấy là những gian nhỏ nối tiếp nhau, kiểu như những phòng ngủ vậy. Về cuối mới đến khu vực bếp chung, ở đó còn có những chum đựng nước dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Bấy giờ tôi nhớ ra PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung đã cho biết thì: “Phần tiếp theo của một ngôi nhà dài được gọi là Ôk. Ôk là nơi đặt bếp, chỗ nấu ăn và là chỗ ở của các đôi vợ chồng. Ngay cả thiết kế cửa sổ bên hông ngôi nhà, chỉ cần nhìn vào, cũng biết trong ngôi nhà dài này có bao nhiêu phụ nữ đã lập gia đình, bao nhiêu chưa lập gia đình. Đây chính là điều tạo nên sự độc đáo, sáng tạo trong không gian kiến trúc nhà dài”.
Cô Phạm Thị Thảo, cán bộ văn hóa xã Dlie Yang cho biết: “Ngôi nhà này là nhà riêng của vợ ông Adrơng Y Đên. Ở buôn còn mấy ngôi nhà dài như thế này”. Nghe cô Thảo cho hay vậy tôi mới ngẫm ra, cứ tưởng nhà này là nhà văn hóa buôn cơ đấy.
Nhớ PGS.TS Tuyết Nhung đã khẳng định: “Chính đặc điểm “sống chung cùng trong một mái nhà” như vậy nên trong đời sống hàng ngày và cộng với nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống nên nhà dài của người Ê Đê đã mặc nhiên là một nhà sinh hoạt có tính cộng đồng”.
Từ bao đời, những ngôi nhà dài của người Ê Đê đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của dân tộc về một không gian kiến trúc độc đáo. Bởi công trình này, minh chứng rõ ràng cho những sáng tạo khác biệt, đầy ấn tượng qua tài năng và nghệ thuật tạo hình tín ngưỡng của dân tộc.
Tìm hiểu kỹ hơn tôi được biết: Một ngôi nhà dài thông thường bao giờ cũng có 2 cầu thang lên nhà ở phía trước. Theo đó cầu thang lớn hơn được dựng ở bên trái, cầu thang này được mô phỏng hai núm vú, trên đó là hình vầng trăng khuyết. PGS.TS Tuyết Nhung giải thích: “Hình tượng núm vú bên dưới vầng trăng không có nghĩa để chỉ đây là cầu thang dành cho phụ nữ, mà hình tượng đó cho thấy ý nghĩa của chế độ mẫu hệ. Hình ảnh đôi bầu vú căng tràn, cân xứng trên chiếc cầu thang, khẳng định quyền lực, uy quyền của người phụ nữ trong văn hóa mẫu hệ. Người nhà hay khách khứa tới nhà nếu muốn lên nhà thì đều có thể đi lên bằng cầu thang nào cũng được. Dĩ nhiên cầu thang lớn hơn là cầu thang chính lên nhà”.
Cũng theo PGS.TS Tuyết Nhung thì việc chạm khắc kết hợp họa tiết đôi bầu vú cùng hình ảnh vầng trăng khuyết, còn có ý nghĩa là biểu tượng cho lòng chung thủy, sự giàu có, thịnh vượng và sinh sôi.
Thông qua đó, người dân Ê Đê muốn nhắc nhớ con cháu phải nhớ đến nguồn sữa đã nuôi dạy mình trưởng thành, ghi nhớ công lao của những người phụ nữ trong xây dựng và phát triển gia đình. Vì vậy, khi bước lên cầu thang vào nhà dài, việc vịn vào đôi bầu vú được coi là một hành động coi trọng văn hóa Ê Đê.
Theo truyền thống của người Ê Đê, người chủ của nhà dài chính là phụ nữ có vai vế lớn nhất trong gia tộc, là người làm chủ, là trụ cột của gia đình. Đây cũng chính là người sẽ chặt nhát dao đầu tiên lên gỗ làm cầu thang, sau đó những người thợ mới được phép tiến hành đục đẽo, thực hiện các công đoạn tiếp theo.
Ông Nie Y Chréo – Phó Chủ tịch xã Dlie Yang, cho biết thêm: “Nhà dài được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa lợp mái tranh (nay còn lợp tôn). Nhà có kết cấu cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu cùng năm tháng. Các đà ngang, đòn dông luôn luôn bám nguyên tắc được đẽo hoàn toàn bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài có thể tới trên chục mét; chúng ta đếm có thể biết nhà đã có thêm bao nhiêu lần được nối dài”.
Lại nhớ PGS.TS Tuyết Nhung đã nói: “Ở không gian nhà dài này, tự bao đời nay đã được người dân Ê Đê ví như là nơi khởi nguồn của sự phát triển, nơi gửi gắm ước vọng cho những sinh sôi, nảy nở của cả gia tộc. Việc gìn giữ nếp sống gia đình dưới cùng một mái nhà còn cho thấy, tính gắn kết, bền bỉ, chặt chẽ, tính cộng đồng luôn được đề cao trong đời sống của người Ê Đê”.