Sáng 22/8, sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, được Chính phủ ủy quyền, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Những kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính ngân sách của nhà nước tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vị đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên các lĩnh vực. Trong ngày 21/8 và sáng 22/8, đã có 9 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Cách làm mới, sáng tạo trong phát triển du lịch
Cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08 ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã đảm bảo minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL ban hành đề án phát triển du lịch đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Trong thực tế, nhiều địa phương đã có những cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố… tạo ấn tượng với khách du lịch.
Du lịch Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước. Năm 2023, chúng ta đã đón 12,6 triệu khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra, tổng thu đạt 672 nghìn tỷ đồng, lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch, tăng cường liên kết vùng và liên kết du lịch với các ngành khác trong chuỗi phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững với phương châm: “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”. Phấn đấu hết năm 2024 sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về huy động hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa
Trong lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, đã ban hành và triển khai bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm phát huy trách nhiệm, tính chuẩn mực và sức ảnh hưởng của văn nghệ sỹ đối với xã hội, nhận được sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đang trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2025 (dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8/2024).
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm; Các hoạt văn hóa nghệ thuật có sự đổi mới trong phương thức và triển khai thực hiện; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Công tác ngoại giao văn hóa gắn với quảng bá du lịch được triển khai tích cực, chủ động, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế hoạt động của tổ chức UNESCO.
Chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Đã chỉ đạo Bộ VHTTDL tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập về chế độ chính sách đối với nhóm đối tượng này; Kết hợp với việc sắp xếp chế độ tiền lương mới và đánh giá kỹ tính đặc thù để sửa đổi bổ sung chính sách phù hợp với chủ trương và tình hình thực tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về huy động hiệu quả nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa.
Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong các lĩnh vực
Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản.
Về lĩnh vực công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Về lĩnh vực tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành, như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên chất vấn. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.