Xóa điểm “đen” rác thải, tệ nạn xã hội
Con đường nhỏ Phan Đình Giót, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột bên cạnh Bảo tàng Đắk Lắk từng là nơi hoạt động của “chợ sắt” lấn chiếm lòng đường. Quyết liệt thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị, “chợ sắt” rời đi, để lộ ra các bức tường loang lổ, hoen ố hai bên đường. Công trình bích họa đường phố với chủ đề “Buôn Ma Thuột xưa” đã biến con đường bị lấn chiếm suốt thời gian dài thành điểm đến hấp dẫn.
Công trình có chiều dài 300m, được thực hiện dựa trên 2 tác phẩm “Trường ca Đam San” và “Buôn Ma Thuột xưa”. Các bức tranh tường ở đây thể hiện tập quán sinh hoạt trong đời sống gia đình, cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Dưới tán lá xanh rì của hai hàng cây thẳng tắp, con đường Phan Đình Giót rợp bóng mát càng thêm hấp dẫn, thu hút nhiều người đến tham quan.
Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, thi thoảng tôi đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu. Thấy đường Phan Đình Giót được chỉnh trang sạch đẹp với những bức tranh tường mang đậm nét văn hóa, tôi cảm thấy thích thú và luôn muốn đến đây khám phá”.
Tương tự, từ điểm “đen” về rác thải, tệ nạn xã hội, một đoạn ngắn của đường Nguyễn Công Trứ nay trở thành điểm nhấn về văn hóa Tây Nguyên qua những bức tranh tường. Bích họa tại đường Nguyễn Công Trứ có diện tích 100m2, khắc họa một số danh lam thắng cảnh của tỉnh, kiến trúc nhà dài của người Ê Đê, các nét văn hóa đặc sắc từ truyền thống đến hiện đại của các dân tộc thiểu số.
Bằng hình thức sơn vẽ trang trí trên tường, các tác phẩm bích họa đã giới thiệu nhiều cảnh quan thiên nhiên của tỉnh, quảng bá nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vừa góp phần phát huy tiềm năng du lịch địa phương, vừa cải thiện tình trạng xả rác bừa bãi và truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người.
Điểm nhấn giữa buôn làng
Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao là một trong số ít buôn được chọn để phát triển du lịch cộng đồng của thành phố Buôn Ma Thuột. Hiện nay, nơi đây còn giữ gìn nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê.
Nhằm tạo điểm nhấn cho buôn để phát triển du lịch, cuối năm 2021, các họa sĩ người Ê Đê bắt đầu vẽ những bức trang tường thực hiện công trình buôn bích họa. Con đường bích họa trong buôn này có chiều dài 770m, với 32 hình phác họa đậm nét về đời sống văn hóa các dân tộc Ê Đê, M’nông…
Đến đây chiêm ngưỡng những bức họa, du khách nhìn thấy cả phong cảnh hùng vĩ của đại ngàn, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Từ vẻ đẹp thiếu nữ Ê Đê ngồi trước hiên nhà dài, cánh đồng hoa dã quỳ, thuyền độc mộc hồ Lắk, cảnh phụ nữ địu con giã gạo, những chú voi bơi lội giữa hồ Lắk, cảnh nặn gốm của người M’nông, dệt thổ cẩm đến những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của Tây Nguyên như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, cúng bến nước… được thể hiện một cách sống động.
Bà H’Yam Bkrông, chủ homestay Hnoh Ea Kao cho biết: “Con đường bích họa trong buôn là một trong những điểm nhấn hấp dẫn thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách yên mến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đến đây tham quan, nhìn ngắm những bức tranh, du khách sẽ thấy Đắk Lắk có rất nhiều điều tuyệt vời để khám phá. Đồng thời, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm dệt thổ cẩm của người Ê Đê, tìm hiểu văn hóa tượng nhà mồ, thưởng thức ẩm thực dân dã của đồng bào…”.
Được biết, con đường bích họa tại Tơng Jú nằm trong tiểu dự án thuộc đề tài khoa học “Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên thực hiện. Chủ nhiệm triển khai thực hiện đề tài là nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm. Đây là con đường bích họa đầu tiên trong buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, là điểm nhấn để đưa buôn Tơng Jú trở thành điểm du lịch, trên đà phát triển du lịch cộng đồng.
Không chỉ ở thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện các dự án bích họa đường phố tại một số tuyến đường trung tâm huyện như Cư M’gar, Krông Bông… Những con đường bích họa đã tạo ấn tượng tốt với nhân dân và du khách. Những câu chuyện mang đậm bản sắc Tây Nguyên được kể lại một cách sinh động bằng sắc màu hội họa.