Ngành du lịch Đắk Lắk đang trên đà hồi phục và tăng trưởng sau những đợt dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài hơn hai năm qua. Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu “Đắk Lắk – Điểm đến của Cà phê thế giới” đang được cộng đồng làm du lịch ở đây tiếp tục quan tâm xúc tiến.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Với đà tăng trưởng lạc quan như hiện nay và chắc chắn sẽ có bước tăng tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2022, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hiện đang tiếp tục vận động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và tổ chức các chương trình/gói sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn nhằm phục vụ du khách gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội thảo được tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch nối lại hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh được tổ chức thường niên như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi, Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE-HCMC)… nhằm thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều hơn.
Danh thắng thác Dray Nur, điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đắk Lắk. |
Đến nay, Đắk Lắk đã kết nối ổn định với 16 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng một số quốc gia khu vực ASEAN – đó là thị trường khách du lịch truyền thống, giàu tiềm năng góp phần thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai”. Bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk
|
Còn về phía doanh nghiệp thì hầu hết đều tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của mình thông qua các hoạt động như Famtrip, roadshow… đã và đang diễn ra dày đặc hơn. Theo bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk, từ đầu năm 2022 đến nay đã có ít nhất 8 hoạt động trên lần lượt được xúc tiến; đồng thời có sự điều chỉnh, triển khai theo hướng tập trung hơn vào từng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đã được ký kết hợp tác trước đó (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và các nước trong khu vực ASEAN).
Tại những thị trường du lịch này, du khách được tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm du lịch mà mình yêu thích thông qua trang tin điện tử có tên miền: http//daktip.vn và http://www.dulichdaklak.gov.vn cùng một số video, đĩa DVD cũng như nhiều ấn phẩm giới thiệu về tour/tuyến du lịch tiêu biểu, đặc sắc trên địa bàn có thương hiệu “Đắk Lắk – Điểm đến của Cà phê thế giới”. Theo đó, bước tiến quan trọng hơn là đến nay hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đã chủ động xây dựng hệ thống thông tin du lịch hiện đại như website (app) có khả năng tương tác, ứng dụng hữu hiệu trên các thiết bị di động thông minh, mạng xã hội để kích hoạt trở lại thị trường du lịch truyền thống lẫn thị trường mới xác lập ở trong nước và quốc tế vốn bị “đóng băng” trong cơn đại dịch vừa qua.
Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Akô Dhông – TP. Buôn Ma Thuột luôn hấp dẫn du khách. |
Ông Lê Minh Hảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đánh giá: Nhờ những hoạt động trên, đặc biệt là việc các doanh nghiệp chủ động tương tác, xây dựng các gói sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, kèm theo những ưu đãi cho từng chương trình du lịch trọn gói nên đã thu hút du khách trở lại ngày càng nhiều hơn. Qua 7 tháng của năm 2022, Đắk Lắk đã đón hơn 560.000 lượt khách, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng này, mục tiêu đón 900.000 lượt khách đến đây trong năm nay có khả năng vượt kế hoạch đề ra. Đây cũng là tín hiệu lạc quan để ngành du lịch Đắk Lắk kỳ vọng vào con số từ 1 – 1,3 triệu lượt khách cho những năm tiếp theo.