Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2023 là dịp lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh được gặp mặt và lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng cũng như trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị đối thoại. |
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đề xuất những giải pháp, hiến kế nhằm giúp tỉnh cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc
Ngày 19/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và hơn 250 doanh nghiệp, hợp tác xã đại diện cho hơn 12.000 doanh nghiệp và hơn 700 hợp tác xã trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị đối thoại. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Trong thời gian qua, triển khai các chương trình, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời ban hành các Chương trình hành động của tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành các đơn vị, địa phương thực hiện ngay các nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao, chú trọng thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn.
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh qua các năm đều duy trì phát triển, hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Để đạt được những kết quả đó, có phần đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác xã và cộng đồng doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Buôn Ma Thuột nêu những khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn một số hạn chế; giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; khó khăn về tài chính, thị trường quốc tế bị thu hẹp… tiếp tục là những cản trở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, vẫn còn rất nhiều rào cản tác động, ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao so với cùng kỳ, toàn tỉnh có tới 792 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, tương đương 74,37% số doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mà chưa thực hiện các thủ tục theo quy định.
Số lượng doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng được các chính sách, chương trình hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 hay hỗ trợ phục hồi sản xuất như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng rất hạn chế.
Trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng những nỗ lực của tỉnh chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Điều này dẫn đến kết quả PCI của tỉnh trong những năm gần đây không có nhiều cải thiện, đặc biệt là năm 2022, kết quả PCI của tỉnh giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có những khởi sắc hơn, cơ bản hợp tác xã đã dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong năm 2023 có xu hướng tăng hơn các năm. Tuy nhiên, sự phục hồi và phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác ở các lĩnh vực chưa đồng đều. Nhiều hợp tác xã sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất, kinh doanh do khó tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng…
Đại diện các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp. |
Với tinh thần cởi mở, thắng thắn và cầu thị, tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nêu những khó khăn, vướng mắc đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các kiến nghị xoay quanh các nội dung như: Tỉnh cần có cơ chế, chính sách về hỗ trợ thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên quan đến liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rườm rà, nhiêu khê, nhất là trong công tác phòng cháy chữa cháy khi đầu tư xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Tình trạng các doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn chưa được tỉnh quan tâm giải quyết. Tình trạng miễm giảm thuế thuê đất cho các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ còn triển khai chậm…
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã còn đề nghị tỉnh cần phát huy những lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác những tiềm năng, thế mạnh, đưa Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên…
Đại diện Công an tỉnh trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp về công tác phòng cháy chữa cháy. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời đầy đủ các câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tỉnh thu hút được khoảng 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Từ 2021 đến nay, tỉnh tiếp hơn 400 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có 280 hồ sơ đăng ký đầu tư…
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, trong đó tỉnh đã phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đầu tư cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và đầu tư các dự án công trình thủy lợi lớn; đồng thời tỉnh chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, phiền hà
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cảm ơn các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng đã nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo, tiên phong, vượt qua mọi khó khăn ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp. |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2023. |
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục sát cánh, đồng hành và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp với phương châm: khó khăn ở đâu giải quyết ở đó. Đồng thời, tỉnh sẽ nâng cao năng lực dự báo về các lĩnh vực, nhất là dự báo về thị trường để giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, nhất là lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
“Tỉnh sẽ quan tâm nâng cao đạo đức công vụ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức làm việc ở những cơ quan, bộ phận liên quan trực tiếp với doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh doanh nghiệp”, đồng chí Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để thông tin kịp thời chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương và của tỉnh. Đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Tăng cường minh bạch thông tin, khắc phục tình trạng chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp. Đồng thời kịp thời tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất sắc, hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh…