Ngành du lịch Đắk Lắk đang dần khẳng định vị thế của mình trong bức tranh kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vì thế việc đầu tư hạ tầng cơ sở đúng mức để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển xứng tầm là yêu cầu cấp thiết.
Trong thời gian qua, vấn đề đầu tư, kết cấu hạ tầng tại các vùng du lịch trọng điểm, được quy hoạch cấp tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư, từ năm 2018 đến nay có ít nhất 5 dự án (nằm trong danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng theo kế hoạch/đề án phát triển du lịch Đắk Lắk, giai đoạn 2018 – 2022) đã được thực hiện bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, bao gồm: đường giao thông từ trung tâm xã Ea Sol vào thác Bảy Tầng (huyện Ea H’leo); bờ kè chắn đất kết hợp giao thông cho người đi bộ quanh hồ Lắk; bờ kè chống sạt lở Khu du lịch Hồ Lắk; bờ kè chống sạt lở bờ sông Sêrêpốk (Khu du lịch Buôn Đôn) và đường giao thông vào Khu du lịch sinh thái Hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng KoTam. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, từ nguồn lực đầu tư này đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng cho những điểm đến nói trên và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với “ngành công nghiệp không khói” của Đắk Lắk.
Đặc biệt trong ba năm qua, số lượt khách đến đây đã tăng mạnh – từ xấp xỉ 1 triệu lượt của hai năm (2022 và 2023) đến hơn 1,2 triệu lượt trong năm 2024. Những con số đó đã cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng du lịch, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này tăng tốc.
Cũng theo nhìn nhận của sở chủ quản, trong thời gian tới nếu những khu/điểm du lịch khác (nhất là du lịch văn hóa, sinh thái; canh nông gắn với trải nghiệm thực tế) được đầu tư kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ thì chắc chắn du lịch nơi đây sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ hơn trên cả hai tiêu chí số lượt khách và doanh thu.
Tuy nhiên, ngoài nguồn lực tài chính thì một số “nút thắt” hay “lực cản” từ nhiều phía (như công tác quy hoạch, thủ tục cho thuê đất và giải phóng mặt bằng) cần phải được gỡ bỏ nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện, cơ hội hiện thực hóa lộ trình/phương án kinh doanh của mình.
Bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk) chia sẻ: Trong nhiều năm qua, các đơn vị làm du lịch trên địa bàn này như: Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn, Trung tâm Dịch vụ – Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Yok Don, Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương – Bản Đôn và Công ty TNHH Du lịch văn hóa, sinh thái Thanh Hà… đã không dám, hay nói đúng hơn là không chịu đầu tư kết cấu hạ tầng, cũng như xây dựng và thiết kế sản phẩm mới là vì “vướng” vào quy hoạch đất đai.
Hầu hết các doanh nghiệp ở đây đều đang thuê đất của người dân để làm du lịch nên không tự chủ được trong mọi phương án kinh doanh của mình, vì vậy không ai dám nghĩ đến việc mở rộng quy mô, sản phẩm du lịch được cho là đặc thù và có thế mạnh để phục vụ nhu cầu ngày càng khắt khe, đa dạng của du khách.
Rõ ràng, một khi kết cấu hạ tầng du lịch chưa được chính quyền địa phương quan tâm, chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư dốc hết nguồn lực phát triển, thì điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội, động lực để giúp du lịch Đắk Lắk thật sự chuyển mình, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như mục tiêu đã định.