Trong những ngày diễn ra Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2005, đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đã đến trải nghiệm các hoạt động văn sôi nổi, đặc sắc mang đậm sắc màu các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò trách nhiệm của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời, việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc; góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Cùng với đó, Ngày hội được tổ chức đã tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động hàng ngày và hoạt động sự kiện giữa Bộ VHTTDL với các địa phương.
Trong những ngày diễn ra Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa qua, người dân, du khách được tìm hiểu, trải nghiệm, thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.
Tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay, người dân và du khách được tìm hiểu, trải nghiệm sắc màu văn hóa dân tộc Khmer Sóc Trăng thông qua tái hiện tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng. Cùng với đó là không gian âm nhạc truyền thống: Trình diễn nhạc Ngũ âm, trống Schay Dăm, dạy múa Rom vong, múa Chằn, biểu diễn nghệ thuật múa Rô băm, trình diễn nghệ thuật múa Rom vông…
Cùng với đó, du khách được tham quan, tìm hiểu về điểm đến, văn hóa lễ hội, đặc sản ẩm thực, tiềm năng du lịch của tỉnh Sóc Trăng cũng như một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.
Đến với Không gian văn hóa “Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk”, người dân và du khách được xem tái hiện Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; thưởng thức các tiết mục dân ca dân vũ: hát Airay, múa xoang, thổi Đing Năm, diễn tấu Cing K’nawh.
Cùng với đó, du khách đến Làng còn được trải nghiệm, học chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê.
Đồng thời, du khách còn được thưởng thức những ly cà phê đậm đà, nguyên vị tại không gian trình diễn cà phê Tây Nguyên. Du khách được giới thiệu và tái hiện không gian trình diễn cà phê truyền thống của người Ê Đê, từ việc chọn hạt đến rang trên bếp củ, giã tự nhiên và lọc bằng chính phương thức tự nhiên của đồng bào.
Cùng với đó, tại Ngày Văn hóa các dân tộc năm nay, người dân và du khách được trải nghiệm sắc màu văn hóa vùng cao xứ Thanh màn tái hiện Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với đó, du khách cũng được tìm hiểu nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực dân tộc, nghề thủ công truyề thống, trò chơi dân gian…của 16 nhóm đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Lào, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Tp. Huế), dân tộc Ba Na, dân tộc Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).
Với những hoạt động sôi nổi, đa dạng và đậm chất văn hóa, trong 3 ngày diễn ra, đã có gần 15 nghìn người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự, tìm hiểu, trải nghiệm các chương trình của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025.
Qua 15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sống động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương.
Cùng với đó, những chương trình điểm nhấn, hoạt động hàng ngày như: lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian… đã “thổi hồn” vào từng nếp nhà ở “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần đưa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với người dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét thông qua những con số biết nói, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động tại Làng để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước.