• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Nhật Bản có thể tạm hoãn chương trình kích cầu du lịch nội địa mới

    Thursday, 07-07-2022 / 9:39:04 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    314 View

    Thủ tướng Kishida Fumio dự định sẽ bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch mới trong nửa đầu của tháng 7 này, nhưng bây giờ chương trình này có thể sẽ tạm hoãn do dịch COVID-19 bùng phát.

    Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản có thể sẽ tạm hoãn triển khai chương trình kích cầu du lịch mới trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nước này.

    Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kishida Fumio dự định sẽ bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch mới trong nửa đầu của tháng 7 này, nhưng bây giờ chương trình này có thể sẽ tạm hoãn.

    Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới sau cuộc bầu cử Thượng viện.

    Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” vào tháng 7/2020, nhưng đã phải tạm dừng chương trình này vào đầu năm 2021 do sự bùng phát của số ca mắc COVID-19.

    Thay vào đó, kể từ tháng 4/2021, Nhật Bản đã trợ giá cho hoạt động du lịch nội tỉnh của người dân. Sau đó, phạm vi của chương trình này được mở rộng ra cho hoạt động du lịch sang các tỉnh lân cận vào tháng 11/2021 và cho hoạt động du lịch trong nội vùng vào tháng 4 năm nay.

    Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng ở Nhật Bản vào giữa tháng 5/2022, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch đổi tên chương trình “Go To Travel” thành Kenminwari (có nghĩa “Giảm giá cho người dân trong tỉnh”) và dự định bắt đầu triển khai chương trình mới trong tháng 7 ở tất cả 47 tỉnh, thành để giúp vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

    Một khi chương trình này được triển khai, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nâng mức hỗ trợ lên 8.000 yen/người, trong đó bao gồm cả chi phí lưu trú và đi lại.

    Đối với các coupon, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giá trị của coupon xuống còn 1.000 yen đối với các chuyến du lịch cuối tuần, nhưng tăng giá trị lên 3.000 yen đối với các chuyến du lịch vào ngày thường nhằm hạn chế người dân tập trung đi du lịch vào cuối tuần.

    Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu là do sự xuất hiện của biến chủng BA.5 của biến thể Omicron. Đây được cho là một biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến chủng BA.1 và BA.2 đã lây lan ở Nhật Bản trước đó.

    Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) dự báo BA.5 có thể trở thành biến chủng phổ biến ở nước này trong tuần từ 4 đến 10/7.

    Đáng chú ý, ngày 6/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 45.821 ca nhiễm mới, tăng khoảng 22.000 ca so với một tuần trước đó, và 12 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 16 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở nước này tăng, nhưng là lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 ca/ngày kể từ ngày 18/5. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka đều tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó.

    Sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm mới khiến giới chức nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản lo ngại về khả năng nước này đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19. Một số tỉnh, thành đã đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát của một đợt dịch mới và đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch.

    Phát biểu với các phóng viên ngày 6/7, ông Hirofumi Yoshimura, Thống đốc Osaka, đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở tỉnh phía Tây này, đồng thời cảnh báo về khả năng xuất hiện “một làn sóng lây nhiễm mới tương tự như làn sóng thứ 6” đã hoành hành ở Nhật Bản vào đầu năm nay.

    Ông sẽ đề nghị các cơ sở chăm sóc người già và các bệnh viện có nhiều bệnh nhân cao tuổi đang điều trị nội trú ở đây phải tăng cường các biện pháp đề phòng sự lây lan của dịch bệnh vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nặng./.

    Source : TTXVN
    Latest news