Thời gian gần đây Việt Nam liên tục vào top 10 điểm du lịch hấp dẫn có chi phí rẻ nhất năm. Thực ra “ngon, bổ, rẻ” cũng là một tiêu chí để hút khách, nhưng ở một góc nào đó có thể nói đây lại là sự lãng phí.
Là bởi, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, có danh lam thắng cảnh, ẩm thực 3 miền phong phú – những điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút khách du lịch ở mọi phân khúc, kể cả giới thượng lưu, tỷ phú. Tiềm năng như vậy nhưng tại sao đến nay Việt Nam vẫn chỉ nằm trong những điểm đến rẻ nhất?
“Tôi mà là bà Tuyết, tôi sẽ bán 180.000 đồng/chiếc bánh cốm” một vị doanh nhân đã nói như vậy tại hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?” khi biết, chiếc bánh ấy do nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Tuyết làm hoàn toàn thủ công mà chỉ bán giá có 18.000 đồng/chiếc.
Một người bạn của tôi, cũng là doanh nhân, mỗi lần tổ chức ăn uống, thế nào anh cũng nhắn: Chọn nhà hàng nào có tên tuổi một chút nhé. Và khi cầm thực đơn, mặc nhiên cậu bạn chọn loại đồ uống đắt tiền nhất, kèm câu giải thích: Không phải mình hợm hĩnh mà tốn một chút nhưng uống loại đấy sẽ yên tâm.
Có lẽ, tâm lý đắt tiền mới là đẳng cấp và chất lượng luôn định hình sẵn trong nhiều người. Đấy không biết là ưu hay nhược, nhưng ở góc độ du lịch chắc chắn là cơ hội để ngành “công nghiệp không khói” thăng hạng.
Thời gian gần đây Việt Nam liên tục vào top 10 điểm du lịch hấp dẫn có chi phí rẻ nhất năm. Thực ra thì “ngon, bổ, rẻ” cũng là một tiêu chí để hút khách, nhất là những dòng khách bình dân. Nhưng ở một góc nào đó thì có thể nói đây lại là sự lãng phí. Là bởi, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, có nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc, có danh lam thắng cảnh, ẩm thực 3 miền phong phú – Những điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút khách du lịch ở mọi phân khúc, kể cả giới tinh hoa, thượng lưu, tỉ phú.
Tiềm năng như vậy tại sao đến giờ Việt Nam vẫn chỉ nằm trong những điểm đến rẻ nhất, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp hoặc nâng cấp các sản phẩm du lịch đến đẳng cấp, chất lượng từ những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và ẩm thực?
Thực ra nói thì cũng nói rất nhiều rồi. Giải pháp cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp bàn thảo, hiến kế cơ quan chức năng đã tiếp thu, lắng nghe. Ví như cần phải nắm bắt nhu cầu của phân khúc khách du lịch cao cấp để từ đó đầu tư phát triển sản phẩm phù hợp; rồi chú trọng tính độc đáo, nguyên bản, cá biệt, tinh tế, gắn với văn hóa, hài hòa với tự nhiên, môi trường; nâng cao dịch vụ cung ứng các điều kiện như thủ tục visa, nhập cảnh, di chuyển, lưu trú, vui chơi, ăn uống, mua sắm…
Vì vậy, việc cần làm bây giờ chỉ là nắm bắt nhanh, hành động sớm. Nếu định vị lại thương hiệu du lịch Việt, nâng cấp, đa dạng sản phẩm, đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu của các phân khúc khách du lịch thì chúng ta hoàn toàn có thể là một trong những thị trường top của khu vực. Đấy không hề là sự mơ mộng, bởi thời gian gần đây, Việt Nam liên tục đón những đoàn khách hạng sang, trở thành điểm đến của các du lịch đám cưới, du lịch MICE, du lịch golf…
Như ngày 16/10 chẳng hạn, sân bay Đà Nẵng cùng lúc đón 5 siêu tàu bay Gulfstream sang trọng và đắt đỏ bậc nhất thế giới. Đó là 5 chiếc chuyên cơ huyền thoại của Gulfstream chở theo 50 khách hàng là các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới và các đối tác vận hành của Gulfstream tụ hội về Đà Nẵng để tham dự Hội nghị khách hàng thường niên. Đây cũng là dịp để du lịch Đà Nẵng thể hiện đẳng cấp của mình với sân golf Bà Nà Hills Golf Club, phố cổ Hội An, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort…
Cùng với thị trường khách nước ngoài thì thị trường nội địa cũng là “mỏ vàng” lớn. Dân số Việt Nam hiện đã vượt qua 100 triệu người, trong đó khoảng 40% là tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hiện mức chi tiêu của các “thượng khách” này cũng rất đáng chú ý, nhất là những người trẻ. Họ sẵn sàng chi từ 30-40 triệu đồng cho một chuyến du lịch.
Vẫn biết, cần phải có một chiến lược bài bản để định vị thương hiệu du lịch Việt trên bản đồ thế giới. Thế nhưng tiềm năng và lợi thế đã sẵn sàng rồi, nhất là khi du lịch Việt lại đang lọt vào “mắt xanh” của các tỉ phú và giới siêu giàu, nếu chúng ta tiếp tục bỏ lỡ thời cơ thì thực sự là đáng tiếc.