Họ cần tự gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa, giá trị dịch vụ… cho doanh nghiệp mình như một số gợi ý của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiến sỹ Hà Văn Siêu.
– Mặc dù vấp phải đại dịch COVID-19 nhưng trước đó việc phát triển ngành “công nghiệp sáng tạo” (công nghiệp văn hóa) có ý nghĩa rất lớn ở các quốc gia, ông đánh giá như thế nào vấn đề này và xin ông chia sẻ một số điển hình trỗi dậy mạnh mẽ nhờ phát triển loại hình này trên thế giới?
Ông Hà Văn Siêu: Có thể nói, công nghiệp văn hóa chính là “sức mạnh mềm” – một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Công nghiệp văn hóa là một trong những lĩnh vực kinh tế ra đời tương đối muộn nhưng vô cùng quan trọng, đóng góp nguồn thu nhập lớn cho thu nhập GDP của mỗi quốc gia. Tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa cao hơn so với ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp sản xuất khác.
Ngành này ở Nhật Bản góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP với doanh thu ròng chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế hàng năm và thu hút 5% lực lượng lao động. Năm 2013, chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số, lĩnh vực cốt lõi của công nghiệp văn hóa đã đạt khoảng 12.000 tỷ Yen. xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD…
Ở Anh, năm 2016, công nghiệp sáng tạo đem lại 84,1 tỷ bảng Anh, một con số kỷ lục và chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh. Tại Trung Quốc, giá trị gia tăng của công nghiệp văn hóa là 2723,5 tỷ NDT (năm 2015), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 3,97% GDP.
– Trong vai trò quản lý nền kinh tế xanh, việc đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tăng chi tiêu của du khách như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Chúng ta có thể phân ra hơn 10 nhóm dịch vụ trong loại hình công nghiệp văn hóa như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật-nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, không gian sáng tạo…
Đặc biệt trong đó, du lịch văn hóa có thể sâu chuỗi hết tất cả các lĩnh vực khác để phục vụ nhu cầu du khách. Do đó, phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa sẽ làm gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách và chính người dân bản địa.
Chính mức tiêu dùng của du khách sẽ tạo động lực để người làm văn hóa nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, từ đó bồi đắp cho sản phẩm du lịch văn hóa thêm phong phú, hấp dẫn cả ban ngày lẫn ban đêm đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của du khách. Tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách chính là hai “chìa khóa” để thúc đẩy du lịch văn hóa cũng như công nghiệp văn hóa phát triển.
– Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát phức tạp như hiện nay, để chuẩn bị cho chặng đường dài phục hồi sắp tới, theo ông các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nên tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ, loại hình du lịch văn hóa nào để ngay khi “mở cửa lại bầu trời” là có ngay cơ hội rút hầu bao du khách?
Ông Hà Văn Siêu: Có thể nói đại dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến nhu cầu và tâm lý du khách thay đổi rất nhiều. Lượng du khách tới các điểm đến được dự báo sẽ không còn đông như trước nữa, chi tiêu của họ cũng sẽ căn cơ chứ không vô tư nữa do ảnh hưởng về kinh tế.
Thực tế này buộc những người kinh doanh dịch vụ du lịch phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, gia tăng hàm lượng về văn hóa cũng như đầu tư sức sáng tạo nhiều hơn, tinh tế hơn, sao cho đúng, trúng nhu cầu.
Với yêu cầu đó, họ phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu đồng thời chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ có chiều sâu, được thiết kế công phu, mang lại giá trị gia tăng lớn, để chi tiêu của 50 du khách bây giờ bằng doanh thu từ 100 du khách trước kia. Muốn làm được điều đó, cần sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Tôi đơn cử, để cho khách thưởng thức một món ăn, ngoài việc chế biến công phu, vừa ngon vừa bắt mắt còn phải có không gian ẩm thực thoải mái, đặc biệt cần câu chuyện, nguồn gốc của món ăn. Bên cạnh đó là những dịch vụ đi kèm như tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra món ăn đó. Có như vậy, mới tạo được những giá trị văn hóa gia tăng cho chuyến đi của du khách.
Như vậy, phát triển ngành công nghiệp văn hóa chính là góp phần tạo ra cơ hội mới, nguyên liệu mới, sản phẩm và dịch vụ mới để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, nền kinh tế xanh nói chung.
Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch sẽ đánh thức yêu cầu cần phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa cũng như mang về nguồn thu không nhỏ để tái đầu tư, bảo tồn và phát triển công nghiệp sáng tạo nói riêng, nền văn hóa dân tộc nói chung. Đó là lợi ích kép, là sự chia sẻ, phân phối công bằng.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.