Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, huyện Cư M’gar đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho du lịch phát triển trên địa bàn.
Nỗ lực bảo tồn
Buôn H’ring (xã Ea H’đing) là một trong những buôn làng mà hầu hết bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Xê Đăng vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, nét văn hóa, nếp sống lành mạnh trong cộng đồng được duy trì và trở thành điểm nhấn trong đời sống của đồng bào nơi đây.
Có thể kể đến như thành công từ Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức đều đặn trong suốt 25 năm qua. Vào ngày đầu tiên của năm mới, sau vụ thu hoạch, bà con nơi đây đã tổ chức lễ hội để cảm tạ trời đất, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, buôn làng hạnh phúc.
Đến hẹn lại lên, lễ hội đã trở thành niềm mong chờ của bà con, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chung vui, tìm hiểu.
Buôn trưởng buôn H’ring Vi Voan chia sẻ, lễ hội tổ chức là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau và nhắc nhở con cháu về ý thức trách nhiệm phải bảo tồn vốn văn hóa quý giá của dân tộc. Trong đó, điều cốt lõi để lưu giữ được truyền thống tốt đẹp của đồng bào Xơ Đăng đến ngày nay chính là tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Vòng xoan kết đoàn trong Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar. |
Xã Cư M’gar cũng là một trong những xã tích cực trong công tác bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn. Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức đều đặn vào mồng 6 Tết hằng năm là nỗ lực lớn của địa phương nhằm phục dựng và bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào Tày – Nùng đến làm ăn, sinh sống trên mảnh đất Cư M’gar.
Đây là nghi lễ quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp xưa với mong muốn cầu cho dân làng được khỏe mạnh, lúa ngô đầy kho, nhà nhà no đủ.
Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, từ hoạt động này, chính quyền địa phương sẽ định hình, có kế hoạch bài bản hơn để bảo tồn, khai thác, phát triển quy mô lễ hội, hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Tạo đà phát triển du lịch
Huyện Cư M’gar có 24 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,6%. Mỗi ngôi làng, địa danh trong huyện đều mang một bản sắc của cư dân đến đây sinh sống, làm ăn.
Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân. Việc giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút với du khách.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch được huyện Cư M’gar quan tâm, đầu tư.
Đồng bào Xê Đăng ở xã Ea H’đing dâng lễ tạ ơn thần linh, ông bà tổ tiên trong Lễ hội mừng lúa mới. |
Theo số liệu từ Phòng Văn hóa thông tin huyện, đến nay địa phương đã khôi phục 14 lễ hội, chủ yếu ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe, cúng buôn, cầu mưa, bỏ mả, đám ma, lên nhà mới, nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao…
Sau khi được khôi phục, các lễ hội trên địa bàn huyện đã thực sự làm “sống lại” và lan tỏa giá trị sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
Trong nỗ lực bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, hằng năm, huyện đều tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi nổi, hội thi, hội diễn thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, như: liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca – dân vũ, ẩm thực, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục các dân tộc.
Hầu hết các xã, thị trấn đều có các đội văn nghệ dân gian, đội cồng chiêng. Trên địa bàn, các thôn, xã đều duy trì sinh hoạt nhiều câu lạc bộ, như: Câu lạc bộ đàn tính, hát then của đồng bào Tày – Nùng ở xã Cư M’gar, Câu lạc bộ dân gian ở buôn H’ring (xã Ea H’đing), Câu lạc bộ bài chòi ở thôn 4 (xã Cư Suê)…
Tìm hướng phát triển du lịch dựa trên công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, huyện chú trọng sưu tầm, động viên, khuyến khích bà con bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.
Một động thái khác mang tính “dài hơi” hơn là huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với nhiệm vụ trọng tâm là từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, chú trọng tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch.
Trong đó, định hướng phát triển du lịch của huyện tập trung các loại hình: du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch lễ hội và thương mại, du lịch văn hóa tâm linh…