Ea Tiêu và Ea Ktur là 2 xã của huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) được dư luận quan tâm nhiều thời gian gần đây sau vụ ‘Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’ rạng sáng 11-6.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).
Đồng lòng vượt qua nguy khó
Với cán bộ, người dân 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur thì 11-6 vừa qua là một ngày kinh hoàng không dễ quên. Khoảng 0 giờ 35 phút, 2 nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Hậu quả làm 11 người thương vong, trong đó có 9 người chết gồm: 4 chiến sĩ Công an xã, 2 cán bộ xã, 3 người dân.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an đã nhanh chóng tăng cường lực lượng, triển khai đồng bộ biện pháp bao vây, phong tỏa các địa bàn có liên quan, bảo vệ trụ sở chính quyền, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho người dân và truy bắt các đối tượng.
Trong thời gian đó, đồng bào nơi đây đã sát cánh cùng lực lượng chức năng, chia sẻ vật chất, tinh thần, cùng bảo vệ buôn làng, tham gia truy bắt những kẻ khủng bố. Tình quân dân, tinh thần đoàn kết, gắn bó đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa sự bình yên vốn có trở lại với cuộc sống của nhân dân.
Theo ông Hồ Viết Hùng, Quyền Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, công tác dọn dẹp, sửa chữa trụ sở UBND xã được gấp rút hoàn thiện ngay sau khi bị tấn công, phá hoại. Xã đã bố trí một phòng tạm để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân. UBND xã cũng đã có văn bản gửi đến các ban tự quản 21 thôn, buôn thông báo cho toàn thể nhân dân về những hồ sơ gửi tại Bộ phận Một cửa trước ngày 11-6 chưa được giải quyết, nhanh chóng liên hệ với chính quyền để làm mới và nhận kết quả. Và chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hoạt động tại xã cũng như cuộc sống của bà con đã trở lại bình thường.
Sự bình yên ấy được chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” khi đến vùng đất này vào những ngày gần đây. Đời sống lao động, sản xuất của cán bộ, người dân nơi đây đã hoàn toàn trở lại bình thường. Cảnh họp chợ, giao thương, đi lại, việc lên nương rẫy chăm sóc cà phê, tiêu, cây ăn quả… của người dân diễn ra yên bình, không còn sự lo lắng, bất an. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND các xã luôn mở cửa, đón tiếp và giải quyết mọi thủ tục hành chính như thông lệ.
Nhà báo Hồng Chuyên, phóng viên Báo Đắk Lắk, chia sẻ: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tôi đã nhanh chóng xuống địa bàn 2 xã tác nghiệp, nắm thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận. Tuy lúc đầu có sự lo lắng, căng thẳng nhất định nhưng trước nỗ lực của lực lượng chức năng trong đảm bảo an ninh trật tự, sự phối hợp, tin tưởng vào chính quyền của bà con, tôi rất yên tâm. Và chỉ sau 1, 2 ngày “phong tỏa” để lực lượng chức năng ổn định tình hình, tiếp tục vây bắt các đối tượng khủng bố lẩn trốn, mọi việc đã trở lại bình thường.
Cuộc sống bình yên trở lại ở Cư Kuin sau sự vụ xảy ra tại 2 xã Ea Tiêu, xã Ea Ktur đã khẳng định niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền. Bởi sự bình yên ấy có đóng góp không nhỏ của người dân trong việc giúp lực lượng chức năng tố giác, vây bắt tội phạm, giữ gìn, bảo vệ cuộc sống êm đềm như vốn có.
Diện mạo mới của Cư Kuin
Là một huyện thuần nông cách TP. Buôn Ma Thuột 19km, Cư Kuin có 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30%. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, người dân Cư Kuin luôn một lòng theo Đảng, đoàn kết chống giặc. Đất nước thống nhất, quân và dân huyện Cư Kuin lại tích cực xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội.
Những năm gần đây, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang đến một diện mạo mới cho Cư Kuin. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, cơ sở hạ tầng của Cư Kuin được xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Riêng trong năm 2022, huyện đã huy động trên 43 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có trên 150km đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn đã được cứng hóa; 67 công trình thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho 85,5% diện tích cây trồng.
Toàn huyện hiện có 11 hợp tác xã nông nghiệp, 10 tổ hợp tác, 32 nhóm sản xuất cà phê bền vững, 8 tổ thủy nông, 108 trang trại nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định, 3 sản phẩm được công nhận OCOP…
Có được sự đổi thay ấy là nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Tiêu biểu như xã Ea Tiêu, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt trên 45 triệu đồng, số hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 3,82%. Hằng năm, 87% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Ea Tiêu đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Còn xã Ea Ktur đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2020.