Từ ngày 14 – 19/12 đoàn famtrip gồm nhiều doanh nghiệp du lịch và các đơn vị báo chí, truyền thông… do Cục Du lịch quốc gia tổ chức đến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh Tây Nguyên
Trong đó, đoàn lưu trú tại Đắk Lắk ngày 16 -17/12, đã đến khảo sát, trải nghiệm những phong cảnh đẹp và đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ở các khu, điểm du lịch như Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn), buôn du lịch cộng đồng Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Đoàn famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham quan tại Buôn Đôn. |
Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức.
Không chỉ khảo sát, trải nghiệm mà việc tổ chức đoàn famtrip này còn tạo diễn đàn cho doanh nghiệp lữ hành tiếp xúc, giao lưu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý du lịch địa phương.
Cũng trong dịp này, từ ngày 16 – 21/12, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức đoàn famtrip khảo sát sản phẩm du lịch gắn với khai thác vùng dược liệu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Đây là hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch “Hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác các vùng dược liệu của Việt Nam và xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch nông thôn gắn với tăng trưởng xanh”.
Đoàn famtrip khảo sát sản phẩm du lịch gắn với khai thác vùng dược liệu tham quan tại Trang trại ca cao Nam Trường Sơn. |
Tại Đắk Lắk, trong 2 ngày 16 – 17/12, đoàn famtrip đã khảo sát sản phẩm du lịch tại Điểm Du lịch thác Dray Nur, Bảo tàng Thế giới Cà phê, Trang trại ca cao Nam Trường Sơn, Làng nấm Thành Đồng…
Trong hành trình, các doanh nghiệp du lịch, báo chí truyền thông đã trải nghiệm và chia sẻ ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý du lịch; đề xuất hướng phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù gắn với khai thác vùng dược liệu có lợi thế ở Việt Nam; đề xuất khai thác những sản phẩm du lịch gắn với văn hóa lịch sử trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương nhằm tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách.
Các chương trình famtrip, kết nối du lịch tại Đắk Lắk rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi tỉnh nhà liên tục xây dựng, làm mới và đưa ra các sản phẩm du lịch đặc sắc tới du khách; trong đó, chú trọng các sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng du lịch sinh thái và du lịch bền vững.