Giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động để phát triển du lịch đêm
Chiều 5/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch.
Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết ý kiến của Bộ trưởng cũng như các giải pháp khắc phục?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.
Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Ví dụ như Tp. Hà Nội, Ninh Bình, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên đây cũng vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…
Hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ VHTTDL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, phát triển du lịch đêm hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Còn gói sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ VHTTDL đưa ra thì mang tính chất hướng dẫn, thí điểm.
Nhưng theo Bộ trưởng, chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường: “Bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có”.
Bộ trưởng cho rằng, sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc tập quán, thị hiếu, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách khác nhau nên phải có sự phân loại, phân nhóm, phân hạng mới có thiết kế các gói du lịch đêm phù hợp.
“Chúng tôi đã tham khảo một số quốc gia, họ cũng căn cứ theo phân khúc thị trường để lựa chọn, không làm tất cả mà chỉ làm ở những điểm có tính trọng yếu. Tôi tin sau quyết định của Thủ tướng, sự vào cuộc của các địa phương, chúng ta sẽ dần định hình được để phát triển loại hình du lịch đêm.
Nhưng trước tiên ta phải làm du lịch ngày cho tốt, sau đó có thêm một số sản phẩm ban đêm đi kèm thì đó cũng là cách để thu hút và giữ chân du khách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ cho biết, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút là 18 triệu du khách quốc tế và dự kiến là doanh thu khoảng 20 tỉ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu là 40 triệu du khách quốc tế và nguồn thu của họ là 98 tỉ USD, chiếm khoảng 12 % GDP.
Cũng theo đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới, có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế. Thứ nhất là tài nguyên văn hóa và thứ hai là tài nguyên tự nhiên thì Việt Nam xếp thứ 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thái Lan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết những vướng mắc, hạn chế nào và cần những giải pháp đột phá gì để Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trong vòng 5 năm tới?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới được công bố năm 2024, đây là đánh giá có giá trị để nghiên cứu và xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu diễn ra vào năm 2022, nước ta mới thoát khỏi đại dịch Covid-19 nên số liệu tại thời điểm đó khác hiện giờ.
Theo đó, nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và xếp sau Thái Lan.
Vì vậy, để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp cần giữ được các hạng mục có chỉ số cao như sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa…
Còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, ý tế vệ sinh, bền vững môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế – xã hội đến du lịch… Bộ đã đề xuất Chính phủ để có giải pháp cải thiện. Bởi những lĩnh vực này còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương khác.
Do đó để làm được việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị chính quyền địa phương cũng tập trung, đồng thời cải thiện các chỉ số này để tạo sự đồng bộ, góp phần tăng lượng khách du lịch. Tuy vậy, cách làm cần thận trọng, chắc chắn và hiệu quả.