Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Du khách tham quan buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày càng đông.
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Nhiều giải pháp được Nghị quyết chỉ rõ, trong đó quan trọng là các nhóm giải pháp đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông, lâm, công nghiệp; đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, chăm lo đời sống nhân dân.
Chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn
Nhiệm vụ đầu tiên mà Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đối với nông nghiệp cần chuyển nhanh tư duy kinh tế cũ sang tư duy kinh tế hiện đại, coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thí dụ cây cà-phê với mô hình cà-phê cảnh quan và vườn sinh thái ba tầng đang mở ra hướng đi mới, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường. Hay việc dùng vỏ quả cà-phê chế biến thành phân hữu cơ cũng là hướng đi tạo hiệu quả trong kinh tế tuần hoàn.
Đối với nông nghiệp cần chuyển nhanh tư duy kinh tế cũ sang tư duy kinh tế hiện đại, coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thí dụ cây cà-phê với mô hình cà-phê cảnh quan và vườn sinh thái ba tầng đang mở ra hướng đi mới, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Tây Nguyên đang phải giải bài toán khó về phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Mô hình nông nghiệp điện quang, vừa canh tác nông nghiệp tầng dưới, vừa chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng ở tầng trên sẽ là một giải pháp dung hòa nhu cầu điện năng làm tăng thêm giá trị khai thác từ rừng.
Những mô hình, cách làm mới nếu được nhân rộng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn mà Tây Nguyên đang gặp phải, nhất là trong quá trình đất đai cạn kiệt, thiên nhiên diễn biến thất thường. Đây cũng chính là định hướng mới cho canh tác tự nhiên, phục hồi độ màu mỡ đất, phát triển nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để tăng cường khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Bộ đã khuyến khích các tập đoàn doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên theo hình thức liên kết để người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất từ gieo trồng, chăm bón, đến chế biến, tiêu thụ. Một số doanh nghiệp đã thu hút được nhiều người dân tham gia vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần an sinh xã hội, cách này cần được đẩy mạnh.
Hiện Tây Nguyên đang mở rộng quy mô phát triển cà-phê và sầu riêng. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm từng loại cây để có phương pháp, tư duy xây dựng chiến lược sản phẩm khác nhau. Nếu cây cà-phê đổi mới chỉ là trở về với truyền thống, tìm lại vị cà-phê nguyên bản trước kia thì sầu riêng phải nghĩ tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Muốn mở rộng bền vững phải có sự tham gia, liên kết của nhiều tổ chức, như mô hình hiệp hội ngân hàng sầu riêng đang phát huy hiệu quả tại Đắk Lắk nên nhân rộng.
Thống nhất với những gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn cần quan tâm đến tài nguyên rừng và tài nguyên nước. Đây là những vấn đề “nóng” đang đặt ra trong quá trình phát triển của các tỉnh Tây Nguyên.
Từ thực tế do tác động của thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt và khó khăn trong bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh Gia Lai đề ra các nhiệm vụ: Tập trung ban hành quy định về kinh doanh nguồn nước, xử lý rác thải khu vực sông, suối, hồ, đập. Ưu tiên khai thác nước mặt. Tập trung quản lý khai thác những công trình thủy lợi quan trọng dự trữ nước mùa khô hạn… Quản lý tốt tài nguyên rừng gắn với bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương và các vùng lân cận.
Phối hợp quản lý bảo vệ khu vực rừng giáp ranh giữa các địa phương với sử dụng tài nguyên nước các khu vực sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpok… Bảo đảm cân đối hợp lý giữa nguồn nước các địa phương thượng nguồn và hạ lưu. Hạn chế các công trình tác động đến sông, suối nhất là các công trình thủy điện. Để triển khai tốt nhiệm vụ, tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương quan tâm nghiên cứu chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Có quy chế để cộng đồng dân cư sống được từ rừng, bảo đảm an ninh nguồn nước bằng đầu tư các hồ thủy lợi lớn khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt mùa khô.
Mở rộng hạ tầng giao thông, tạo thế liên kết vùng
Liên kết để phát triển là một đột phá nhằm đưa Tây Nguyên phát triển trong điều kiện hoàn cảnh mới, trong đó hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu. Giải pháp này được thực tế chứng minh rõ thời gian qua. Thí dụ như tại Gia Lai, giao thông đồng bộ đã tạo cú huých trong thu hút đầu tư. Với hệ thống giao thông gồm một cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C, sáu quốc lộ có 764km, 10 đường bộ cấp tỉnh với 372km cùng kết nối với gần 11.088km đường cấp huyện, đường đô thị, đường liên xã, đường liên thôn, đường chuyên dụng; trong 20 năm qua, tỉnh có 557 dự án đầu tư được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 138.797 tỷ đồng, bình quân đạt gần 250 tỷ đồng/dự án.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung ương, việc liên kết vùng của Tây Nguyên chưa đồng bộ, chưa có sự liên kết vùng và phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế. Mạng lưới giao thông kết nối các địa phương trong nội vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển liên kết kinh tế vùng.
Tại Đắk Lắk, mạng lưới giao thông quy mô thấp, nhiều tuyến đường đang xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có đường sắt và tuyến đường cao tốc kết nối với cảng biển, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, du lịch. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột mới kết nối với một số tỉnh, thành phố lớn trong nước, chỉ mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 5% hành khách. Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng do mạng lưới giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu nên đến nay Đắk Lắk vẫn chưa có bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều đồng tình với nhận định của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải: Chỉ có mở rộng giao thông thì Tây Nguyên mới cất cánh phát triển; đồng thời đề nghị Trung ương đẩy mạnh nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông, để Tây Nguyên không chỉ liên kết nội vùng mà còn mở rộng liên kết ngoại vùng và quốc tế.
Cùng với hạ tầng giao thông, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, liên kết vùng cần bám sát tinh thần của Nghị quyết: Liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Hiện Đắk Lắk đang tập trung để trở thành trung tâm liên kết, điều phối phát triển của vùng Tây Nguyên. Tỉnh đã xác định nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đó là, hoàn thành lập trình phê duyệt việc triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2040 bảo đảm quy hoạch quốc gia, vùng Tây Nguyên để phát huy lợi ích so sánh của tỉnh, gắn với lợi thế vùng Tây Nguyên. Tỉnh đề nghị thành lập hội đồng Tây Nguyên, ban hành quy chế hoạt động bảo đảm hiệu quả liên kết nội vùng Tây Nguyên và Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ.
Chăm lo đời sống, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến buôn làng và cồng chiêng. Cũng không phải cồng chiêng đơn thuần mà là không gian văn hóa gắn với buôn làng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa vô hạn đó, nhất là không gian văn hóa buôn làng dường như bị mai một trong thời gian gần đây. Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, việc đồng phục hóa, bê-tông hóa buôn làng, du nhập văn hóa thiếu sàng lọc đã làm chất Tây Nguyên vốn mộc mạc, rắn rỏi một cách tự nhiên bỗng chốc phai nhạt.
Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến buôn làng và cồng chiêng. Cũng không phải cồng chiêng đơn thuần mà là không gian văn hóa gắn với buôn làng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa vô hạn đó, nhất là không gian văn hóa buôn làng dường như bị mai một trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Bộ trưởng cho rằng, quan điểm tiếp cận Tây Nguyên phát triển từ nội lực cần lan tỏa. Phải tạo điều kiện cần thiết để cộng đồng dân cư bản địa các dân tộc tự chủ, tự lực trong phát triển từ đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc riêng một cách đúng hướng.
Hiện nay nhiều địa phương trong vùng đang có các giải pháp giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vô giá này. Tỉnh Đắk Lắk có nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng theo từng giai đoạn. Một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ được trình diễn phục dựng và tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, vừa thu hút khách du lịch.
Trong mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đắk Lắk xác định phát triển theo hướng bền vững dựa trên ba nền tảng cơ bản là: Nền tảng sinh thái “Đất-nước-rừng”; “Nền tảng bản sắc văn hóa Tây Nguyên” và “Nền tảng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn”. Đối với “Nền tảng bản sắc văn hóa Tây Nguyên”, tỉnh sẽ triển khai bảo tồn các giá trị nhân văn, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững. Đồng thời phát huy giá trị văn hóa trong phát triển toàn diện con người theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và các giá trị tinh thần mang đậm nét đặc trưng của người Việt, gồm 49 dân tộc cùng sinh sống trong không gian văn hóa bản sắc Tây Nguyên.
Đi đôi với giữ gìn phát triển giá trị văn hóa thì việc quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 23-NQ/TW đề ra. Về vấn đề này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr cho biết, Ủy Ban Dân tộc đã xác định một số nội dung trọng tâm.
Nổi bật là: Tập trung giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc thiểu số, giữa các nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc cộng đồng. Tập trung thu hút các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế công nghệ, khuyến khích phát triển vùng Tây Nguyên, đặc biệt là công nghệ chế biến, hỗ trợ khởi nghiệp sản xuất, hỗ trợ việc làm cho đồng bào thiểu số.
Thực hiện công tác phục hồi, phát triển rừng gắn với bảo đảm sinh kế của người dân gắn với rừng đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát. Triển khai đồng bộ các giải pháp bồi thường di dân tái định cư tại các công trình dự án trên địa bàn bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện tốt quả
Các địa phương trong vùng sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ giáo dục, đào tạo, y tế, nguồn nhân lực, như quan tâm đổi mới hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, dự bị đại học, đại học, sau đại học đáp ứng yêu cầu xã hội. Trong đó có chính sách riêng cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người.
Các tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án nhằm bảo tồn phát huy có hiệu quả văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở tạo tiền đề phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng và buôn làng; giữ gìn phát huy phong tục tập quán tín ngưỡng giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; tuyên truyền đồng bào từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Cùng các nhóm nhiệm vụ trên, Nghị quyết số 23-NQ/TW nêu rõ các nhiệm vụ lớn về bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Để làm tốt các nhiệm vụ đã đề ra, Nghị quyết xác định phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định.
Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
Thực hiện phương hướng nhiệm vụ của Nghị quyết số 23-NQ/TW, Quốc hội, Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương vùng Tây Nguyên đã và đang khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Đây chính là sự đổi mới của Đảng, trong việc triển khai, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị lần này, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ: Tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên; cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.