Năm 2019, ngành du lịch đóng góp gần 9,2 nghìn tỷ USD (khoảng 10,4%) GDP toàn cầu, tạo ra 334 triệu (10,6%) việc làm. Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 hoành hành trong hầu hết năm 2020, hơn 62 triệu việc làm đã bị mất. Thiệt hại nặng nề nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 80% tổng số doanh nghiệp trong ngành; bên cạnh đó phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số chịu tác động rất đáng kể.
Báo cáo cũng cho biết, chi tiêu du lịch quốc tế đã giảm 69,4% so với năm 2019. Chi tiêu cho du lịch trong nước giảm 45% – mức giảm thấp hơn do một số quốc gia vẫn cho phép hoạt động du lịch nội địa.
Bà Gloria Guevara – Chủ tịch & Giám đốc điều hành WTTC nhấn mạnh: “Báo cáo EIR cho thấy toàn bộ tổn thất mà ngành du lịch đã phải chịu đựng trong 12 tháng qua. Cuộc sống của rất nhiều người và các doanh nghiệp lớn nhỏ đã bị tàn phá và chắc chắn không ai muốn chịu đựng những điều đó nhiều thêm nữa”.
“Điều quan trọng hơn hết lúc này là ngành lữ hành & du lịch nhận được sự hỗ trợ cần thiết, từ đó có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Đây sẽ là công cụ giúp thế giới hồi sinh sau những tác động của đại dịch”.
Theo WTTC, các chính phủ sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ vô thời hạn lượng lao động thất nghiệp, thay vào đó phải giúp ngành du lịchphục hồi bằng các cứu trợ các doanh nghiệp và tạo ra thêm việc làm mới. Việc này sẽ giúp hàng triệu sinh kế đang phụ thuộc vào ngành du lịch.
WTTC dự báo, nếu được nối lại vào tháng 6 năm nay, hoạt động di chuyển – du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy đáng kể GDP quốc gia và toàn cầu, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm. Ngoài ra, nếu vaccine tiếp tục được triển khai nhanh chóng trên toàn cầu và các hạn chế đi lại được nới lỏng trước mùa hè, 62 triệu việc làm bị mất vào năm 2020 có thể quay trở lại vào năm 2022. Việc triển khai các loại thẻ sức khỏe kỹ thuật số sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch quốc tế./.