Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) lần thứ 23 diễn ra tại Thủ đô Kigali của Rwanda ngày 4-11, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) WTTC Julia Simpson nêu rõ, lữ hành và du lịch đang tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Quá trình phục hồi của ngành du lịch toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đang diễn ra thuận lợi và các chính phủ cần tiếp tục nới lỏng hơn nữa các thủ tục cấp thị thực để “tiếp lửa” cho sự phục hồi này.
Hà Nội vượt xa chỉ tiêu đón khách du lịch trong năm 2023 |
Dữ liệu mới nhất của WTTC và đối tác Oxford Economics cho thấy, du lịch toàn cầu đang tăng trưởng trở lại với tốc độ nhanh hơn dự báo ở tất cả các khu vực, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu. Chủ tịch kiêm CEO WTTC bày tỏ tin tưởng, “ngành công nghiệp không khói” của thế giới sớm sẽ quay trở lại mức doanh thu của năm 2019, thậm chí một số khu vực đã vượt doanh thu của năm 2019, năm cao điểm nhất trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Đánh giá của WTTC – một cơ quan toàn cầu về đóng góp kinh tế – xã hội của lữ hành và du lịch được thành lập năm 1990 – được đưa ra khi nhiều số liệu, báo cáo cũng cho thấy tăng trưởng vượt bậc của du lịch thế giới từ đầu năm tới nay. Trong báo cáo Xu hướng Kinh tế Du lịch Thế giới 2023 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) và Liên đoàn các Thành phố Du lịch Thế giới đồng công bố, doanh thu từ du lịch toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 5.000 tỷ USD, tương đương 86,2% doanh thu toàn ngành của năm 2019. Trước đó, số lượng khách du lịch toàn cầu đạt 9,57 tỷ lượt người trong năm 2022, đem lại nguồn doanh thu 4.600 tỷ USD. Số lượng khách du lịch toàn cầu trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 10,78 tỷ lượt người, bằng 74,4% so với mức của năm 2019.
Báo cáo nhận định, sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch, từng bước cải thiện ngành du lịch toàn cầu. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh thu của du lịch đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của thương mại toàn cầu. Theo đánh giá chung, du lịch toàn cầu đang dần phục hồi nhanh và chuẩn bị đón nhận một tương lai tươi sáng hơn.
Trong bức tranh tổng quan du lịch toàn cầu, ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên như là một điểm sáng với tốc độ hồi phục được cho là nhanh nhất. Theo đánh giá, du lịch khu vực này ước đạt doanh thu 67 tỷ USD vào năm 2024 và 75 tỷ USD vào năm 2025.
Du lịch ở châu Á – Thái Bình Dương đã tăng trưởng nhanh trở lại kể từ khi khu vực này mở cửa lại biên giới cho các chuyến du lịch đường dài và khu vực. Lượng đặt phòng trực tuyến trên khắp châu Á – Thái Bình Dương dự báo tăng hơn gấp 3 lần từ 2019-2025 khi nhóm khách du lịch trẻ tuổi được xem là nhân tố sẽ định hình sự phục hồi của ngành du lịch.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Công ty du lịch Arival (Thái Lan), có thể phải đến năm 2025 thì “ngành công nghiệp không khói” của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các hoạt động du lịch và điểm tham quan, mới vượt qua mức đỉnh từng đạt được trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chia sẻ nhận định này, cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu hàng đầu thế giới Oxford Economics cũng cho rằng, khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ trở lại nhiều hơn trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay và sự phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch sẽ lùi tới năm 2025 hoặc năm 2026.
Vượt xa chỉ tiêu thu hút du khách quốc tế năm 2023
Là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế về du lịch và sớm mở cửa cho du khách quốc tế khi kiểm soát được dịch Covid-19, “ngành công nghiệp không khói” nước ta đã có sự hồi phục khá ngoạn mục. Theo Tổng Cục Du lịch, tháng 10-2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, và phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, toàn ngành du lịch đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 9-2023, du lịch Việt Nam cũng đã đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, đưa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, chỉ sau 3 quý đầu năm, ngành du lịch đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023.
Sau khi sớm hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5 – 13 triệu lượt. Việc du lịch Việt Nam thay đổi mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5 – 13 triệu lượt khách được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế và sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, với mục tiêu mới, những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng Việt Nam cần đón 1,1-1,2 triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt cao điểm tháng 12, dịp Giáng sinh và năm mới. Các quốc gia đều có định hướng phát triển rõ ràng dựa trên biến động thực tế của thị trường và sẽ đặt ra mục tiêu mới để tạo động lực hồi phục. Cơ sở điều chỉnh lên mục tiêu mới cho du lịch Việt Nam là rất rõ khi những chính sách visa (thị thực) mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phục hồi chung của du lịch thế giới.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong nước cũng cho rằng mục tiêu mới 13 triệu lượt khách cần được công bố nhanh chóng, tạo động lực để các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút khách quốc tế trong những tháng cuối năm.
Sở Du lịch Hà Nội vừa cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, Thủ đô Hà Nội đã đón 20,7 triệu lượt du khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 10-2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón 1,81 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt trên 411.000 lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 6% so với tháng 9-2023; khách du lịch nội địa ước đạt 1,4 triệu lượt, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7.170 tỷ đồng, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng, ngành du lịch Hà Nội đã đón 20,7 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 17,1 triệu lượt, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 76.300 tỷ đồng, tăng 66,7% với cùng kỳ năm trước.
Nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách tới Thủ đô trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch Hà Nội cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Thành phố cũng có nhiều hoạt động để quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tới du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội. Hà Nội hướng tới vượt xa chỉ tiêu đón trên 22 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế và 19 triệu lượt khách nội địa, trong năm 2023 này.