Có thể nói, dịch bệnh đã sắp xếp lại một “trật tự thế giới mới” trong lĩnh vực du lịch. Thực tế, COVID-19 bùng nổ toàn cầu khiến tâm lý và nhu cầu xê dịch của người dân không ngừng thay đổi.
Một số nghiên cứu cho thấy sau đại dịch, cộng đồng đặc biệt quan tâm tới du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Vấn đề này không chỉ được các đơn vị lữ hành trong nước nhanh nhạy nắm bắt bằng việc xây dựng các sản phẩm mới mang tính bền vững mà lãnh đạo ngành cũng nhận thức rõ…
Du lịch có trách nhiệm
Trong số 9.000 người trưởng thành tham gia cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức, Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Australia, 60% mong muốn có ý thức trách nhiệm với môi trường và xã hội cao hơn khi đi du lịch. Điều đáng nói, tỷ lệ này trong nhóm du khách trẻ (18-24 tuổi) là 69%, cao hơn nhóm từ 55 tuổi trở lên (48%).
Đây là một khảo sát toàn cầu mới được THG Hotels & Resorts công bố. Kết quả cho thấy du lịch có trách nhiệm đang là vấn đề được người dân quan tâm hơn bao giờ hết sau đại dịch COVID-19. Họ không chỉ mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho hành tinh và cộng đồng mà còn sẵn sàng chi nhiều hơn để trải nghiệm du lịch có trách nhiệm.
Theo nghiên cứu, người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu thêm trung bình 31% chi phí cho những cơ sở lưu trú mà họ biết ở đó hoạt động có trách nhiệm, trong đó 51% sẵn sàng trả thêm 20%/đêm; 46% số người có xu hướng tránh tham gia những hoạt động du lịch ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.
Từ đó có thể thấy, du lịch có trách nhiệm hơn, xanh hơn đang ngày càng trở thành xu hướng và lan rộng khắp hành tinh. Bằng chứng là 82% người trưởng thành được hỏi trong khảo sát trên cho biết họ cam kết duy trì các thói quen bền vững kể cả khi đi du lịch với hai hành vi phổ biến nhất là tái sử dụng khăn tắm nhiều lần và đi bộ tới tham quan các điểm đến có khoảng cách gần tại địa phương; thói quen loại bỏ và tái chế rác thải đúng cách chiếm vị trí số một.
Khi được hỏi hành động gì không được làm khi là một du khách có trách nhiệm, 47% cho rằng đó là việc quên tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng.
Các chuyên gia cho rằng ở một góc độ khác, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra thay đổi tích cực và định hình xu hướng du lịch có trách nhiệm của con người trong tương lai.
“Đoàn tàu du lịch bền vững” ở Việt Nam
Có lẽ, chưa bao giờ Câu lạc bộ du lịch bền vững VGREEN và Hội Lữ hành Hà Nội lại mong muốn tạo ra một “đoàn tàu du lịch bền vững” thông qua sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành để cùng chung tay khôi phục du lịch có trách nhiệm sau đại dịch COVID-19 đến vậy. Chính vì xuất phát từ mong muốn thôi thúc đó, hai đơn vị này đã xây dựng hành trình tour “Caravan Tây Bắc-Mùa ban nở.”
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng, cho rằng hơn một năm qua, sau nhiều lần bầm dập vì đại dịch, cả doanh nghiệp du lịch lẫn du khách đều đã có quá nhiều kinh nghiệm để phòng, chống dịch, thậm chí “chung sống” với nó và vẫn có thể du lịch an toàn.
Theo ông Thắng, thời điểm này, du lịch bền vững là động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chương trình khôi phục du lịch có trách nhiệm.
Với tour “Caravan Tây Bắc-Mùa ban nở,” đến với vùng rừng núi Tây Bắc, trải nghiệm những cung đường mùa Xuân giữa mùa hoa bằng xe tự lái tuân thủ quy định phòng, chống dịch, du khách sẽ có tâm lý thoải mái hơn để cảm nhận cuộc sống ở vùng đất quyến rũ, giàu giá trị văn hóa, lịch sử.
“Đường có thể xa nhưng thiên nhiên và văn hóa vùng Tây Bắc sẽ giúp du khách cảm thấy rất gần,” ông Thắng nói.
Dịch bệnh khiến tâm lý du khách cũng không ngừng biến động và xu thế hiện nay của khách nội địa là đi theo nhóm nhỏ, gia đình, bằng xe tự lái, trải nghiệm chân thực ở những điểm đến gần gũi với thiên nhiên…
Để đáp ứng “cơn khát xê dịch” của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch buộc phải có những thay đổi, nhận khách đến phút chót và đưa ra những hướng dẫn phát triển du lịch mang tính trách nhiệm, bền vững như đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bảo vệ di tích, hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn tài nguyên, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch.
Trong bối cảnh mới của ngành, ở một cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về quy hoạch du lịch để định hướng lại, phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, gìn giữ tài nguyên.
Bởi theo Thứ trưởng, thực tế hiện nay, có những nơi các khu vực bãi biển bị “băm nát,” tài nguyên mất đi, để lại nhiều hiểm họa môi trường mà “cây gậy” quản lý nhà nước chưa điều tiết được./.