Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng để đày biệt xứ và giam những cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Hiện nay, nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành một địa danh lịch sử, một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích gần 2ha, được thực dân Pháp xây từ những năm 1930 theo lối kiến trúc hình chữ U khép kín với 6 nhà lao và 1 xà lim.
Công trình tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ngày nay.
Dãy xà lim là nơi giam giữ những tù nhân cho là nguy hiểm nhất. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”, từng là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Dãy xà lim có 21 phòng, mỗi phòng rộng 2,5m2 bao gồm một sạp nằm, thanh cùm chân và 2 ống tre được đặt ở cuối sạp. Tù nhân bị nhốt biệt lập, bị cùm trong căn phòng không có ánh sáng, ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ.
Tái hiện một hình thức tra tấn đối với tù nhân: Bị cùm chân bằng những cục tạ to và nặng, bị bắt ngồi nhiều giờ ngoài sân bê tông dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Tù nhân phải lao động khổ sai trong nhà xưởng dưới sự giám sát chặt chẽ của lính gác, cai ngục. Trong ảnh: Tái hiện cảnh lao động của tù nhân trong nhà xưởng.
Những chiến sĩ cách mạng bị đánh đập, tra tấn trong tù.
Mặc dù bị giam trong điều kiện khắc nghiệt, tra tấn dã man, chế độ ăn uống kham khổ, bệnh tật đe dọa… nhưng không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, những truyền đơn, tài liệu, sách vở vẫn được truyền tay nhau ở trong nhà lao, hình thành các lớp học tập…
Từ năm 1954-1975, đế quốc Mỹ đã sử dụng lại Nhà đày Buôn Ma Thuột và xây dựng một bức tường ngăn đôi nhà đày, một bên là trung tâm cải huấn, một bên là kho quân nhu. Đồng thời, mở hai cổng mới ở phía Tây của nhà đày, xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ…
Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách.
Anh Y Lê Pas Tơr – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, giao lưu, nói chuyện với các bậc lão thành cách mạng…Qua đó, giúp các em có sự tương tác, có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về di tích nhà đày. “Qua những hiện vật, chứng tích sống động, các em cảm nhận sâu sắc về tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của cha anh, để thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc”, anh Y Lê Pas Tơr cho biết thêm.
Hiện tại nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về của các chiến sĩ cách mạng, các phong trào đấu tranh trong tù. Trong ảnh: Hành trang đặc biệt của chiến sỹ cách mạng tổ chức vượt ngục.
Mũ nồi và áo len, còng tay, còng chân
Những phương tiện thông tin liên lạc của chiến sỹ cách mạng bị giam cầm tại Nhà đày.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đắk Lắk, Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm giữa trung tâm thành phố, là “địa chỉ đỏ” thu hút người dân và du khách đến tham quan trong những năm qua. Tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch Nhà đày theo hướng liên kết với tuyến du lịch tham quan tìm hiểu về di tích lịch sử. Để Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử không thể bỏ qua khi du khách đến du lịch Đắk Lắk.
Ngày 6/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.