Còn tại Buôn Đôn, bà con người Mnông, Êđê, người Lào… cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc. Năm nay Hội voi ở Buôn Đôn không tổ chức các hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của voi (như đua voi, voi bơi sông, voi đá bóng, voi kéo co, phục dựng việc săn bắt voi rừng) mà thay vào đó là những hoạt động mang tính chất thân thiện với voi như trang điểm cho voi, cúng sức khỏe cho voi, voi chào khán giả…
Già làng Y Thân KDoh, buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là duy trì phong tục tập quán của dân tộc để người ta biết đến Bản Đôn là như thế nào. Nếu sau này làm càng lớn thì bà con càng tiếp đón nhiều du khách, vì ở đây có đặc thù làm du lịch”.
Hòa chung không khí đón chờ lễ hội cà phê, những ngày này, bà con Ê đê ở buôn Akô Dhông, Thành phố Buôn Ma Thuột, càng vui mừng hơn khi vừa được công nhận là Buôn du lịch cộng đồng. Có không gian xanh mướt ngay giữa lòng thành phố, buôn Akô Dhông với những ngôi nhà dài truyền thống, với văn hóa đậm đà bản sắc còn lưu giữ được xem là buôn giàu đẹp nhất của Tây Nguyên.
Già làng Y Nuel Niê bày tỏ: “Buôn làng mong muốn từ lễ hội cà phê này là giá cà phê sẽ được nâng lên; thứ hai là buôn làng có thể bán những sản phẩm từ cà phê và những sản phẩm về văn hóa Êđê như rượu cần, thổ cẩm, rồi được tổ chức những lễ hội như cồng chiêng cho khách du lịch, không chỉ riêng du lịch lễ hội cà phê mà khách du lịch hàng tháng, hàng ngày trong năm. Và mong muốn sắp tới là làng nào, nhà sàn nào đều có khách để dân có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống”.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là sự kiện thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đắk Lắk, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Bà con các dân tộc cũng kỳ vọng đây là “cú hích” để nông dân ngày càng sống tốt với cây cà phê, và mở ra nhiều hoạt động du lịch để có thêm nguồn thu nhập./.