Giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có một buôn làng đẹp như cổ tích, đó là buôn Akô Dhông. Buôn này còn lưu giữ được đầy đủ các nét đẹp truyền thống đặc trưng của người Ê Đê.
Tiêu biểu như: buôn đẹp nhất, có nhiều người phụ nữ Ê Đê thạo nghề dệt nhất, còn lưu giữ được nhiều nhà sàn, ché rượu cần quý nhất…Hiện nay, buôn Akô Dhông có diện tích hơn 60ha với khoảng trên 1.000 nhân khẩu. Xen giữa những ngôi nhà xây khang trang, trong buôn còn có 32 ngôi nhà dài truyền thống.
Bên cạnh chiêng, ché, trong buôn còn lưu giữ được hàng chục loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như: đàn T’rưng, tù và…Đặc biệt, từ đầu đến cuối buôn Akô Dhông đều sạch tinh tươm, trước mỗi ngôi nhà đều được phủ xanh bởi cây và các loài hoa.
Trước đây, nghề chính của buôn Akô Dhông là làm cà phê, làm rẫy, dệt vải…Nhưng nhiều năm trở lại đây đã biết thêm làm du lịch.
Điểm nhấn độc đáo nhất, tâm điểm của buôn Akô Dhông là ngôi nhà của già làng Ama H’rin. Người trong buôn kể lại, vào khoảng năm 1954, buôn Akô Dhông còn hoang sơ, nhiều người chưa biết cách gieo trồng, chăm sóc hoa màu, ông H’rin đã dốc sức bày cho từng người cách làm ăn, cách lấy nước để tưới tiêu cho hoa màu.
Đồng thời, ông cũng dặn từng nhà phải giữ các loại ‘đặc sản’ của dân tộc mình như: thổ cẩm, chiêng, nếp nhà sàn…
Năm 2012, ông H’rin mất vì tuổi cao. Khắc ghi lời ông, các thế hệ con cháu của ông cũng như người dân trong buôn Akô Dhông đều một lòng gìn giữ nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, kỹ năng dệt thổ cẩm cũng như các nét văn hóa khác.
Với vẻ đẹp yên bình cùng sự hội tụ những nét văn hóa, sản phẩm độc đáo của người Ê Đê, đầu tháng 3/2023, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk đã công bố buôn Akô Dhông là buôn du lịch cộng đồng.
Hiện trong buôn có đầy đủ các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: ăn uống, lưu trú, tham quan nhà dài, xem diễn tấu cồng chiêng, múa dân tộc…
Chị H’Min, người có đôi tay điêu luyện trong nghề dệt của buôn Akô Dhông, chia sẻ: “tất cả mọi vật dụng, không gian trong buôn Akô Dhông như: nhà ở, đồ ăn, thức uống, quần, áo, đồ lưu niệm…đều mang đậm bản sắc người Ê Đê.
Tôi cũng như một số phụ nữ khác trong buôn quyết tâm gìn giữ và phát huy nghề dệt của dân tộc mình. Những sản phẩm làm ra khách đều ưng ý. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của chúng tôi”.