Trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề “Văn hóa, Di sản và Du lịch” tổ chức vào ngày 14/4/2023, tỉnh Đắk Lắk đề xuất Chính phủ, các tổ chức, cá nhân của Cộng hòa Pháp quan tâm hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực trùng tu các công trình kiến trúc, sưu tầm tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa và hợp tác phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh (bìa trái) tham gia Hội thảo chuyên đề “Văn hóa, Di sản và Du lịch”. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn
Ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tỉnh Đắk Lắk có 41 di tích được xếp hạng với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn văn hóa các tỉnh Tây Nguyên, còn có những di tích kiến trúc văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn kiến trúc của Pháp.
Tại Hội thảo chuyên đề, tỉnh Đắk Lắk giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân các hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến Di tích quốc gia Đồn điền CADA, Đồn điền ROSSI và một số trang thiết bị phục vụ công tác trưng bày giới thiệu về văn hoá của Tây Nguyên để tỉnh Đắk Lắk liên hệ sưu tầm. Đề nghị chính phủ Pháp tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Lắk tham quan, học tập một số mô hình cũng như các khâu hoạt động của Bảo tàng ở Pháp.
Di tích CADA đã được quan tâm tôn tạo- Ảnh minh họa: Đinh Nga
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Chính phủ Pháp hỗ trợ kinh phí trùng tu các công trình kiến trúc đã bị xuống cấp như Đồn điền CADA, ROSSI …phục dựng, bảo tồn và phát huy 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Sử thi Ê đê; Lời nói vần của người Ê Đê và Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ mừng thọ của người Mnông”.
Tạo điều kiện cho Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk và đoàn nghệ nhân Cồng chiêng trong tỉnh tham gia biểu diễn tại một số hoạt động kỷ niệm, hợp tác ngoại giao văn hóa với Pháp trong thời gian tới để quảng bá văn hóa Việt Nam đến Pháp.
Trong khuôn khổ sự kiện này, tỉnh Đắk Lắk cũng giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Pháp để thu hút đầu tư, du khách dể phát triển du lịch tại tỉnh Đắk Lắk phù hợp với thị trường khách Pháp và ngược lại. Tạo cơ hội cùng trao đổi và phối hợp tham gia các các chương trình hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện và lễ hội của các địa phương hai nước tổ chức.
Tại Hội thảo, có 7 tham luận chính cùng với các thảo luận của các địa phương, các tổ chức đến từ Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Các tham luận đều nêu bật tầm quan trọng văn hóa, di sản và du lịch đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cũng như phát triển du lịch.