Tết cổ truyền Bunpimay của người Việt gốc Lào ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đang được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa.
Tết cổ truyền Bunpimay được chính quyền và nhân dân huyện Buôn Đôn tổ chức từ ngày 13 đến 16/4/2025 với nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng. Sự kiện này thu hút đông người dân trong vùng và khách du lịch đến với Buôn Đôn để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người dân Buôn Đôn nói chung và các bộ tộc Lào nói riêng.
Trong ngày Tết, tại các ngôi chùa, người ta cho nước thơm vào lọ, bình, xô, chậu… để tắm cho Phật và các nhà sư. Người dân thường kết hoa thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc và treo hoa muồng vàng trong nhà, trên xe để cầu may mắn. Một trong những hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội Bunpimay là té nước. Đây được xem là nghi lễ mang tính đặc trưng nhất với ý nghĩa thanh tẩy, gột rửa hết những điềm xui, bệnh tật,… để đón chào một năm mới tươi sáng, may mắn.
Trong khuôn khổ của lễ hội Bunpimay có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ ăn mừng năm mới, cúng sức khỏe, nghi lễ tắm Phật, đắp cát, thả hoa đăng trên sông Sêrêpốk… cầu mong mọi điều xui xẻo của năm cũ trôi đi, buộc chỉ cổ tay, lễ té nước, giao lưu văn nghệ với những lời ca, tiếng hát, điệu múa Lăm Vông, thưởng thức văn hóa ẩm thực Lào…
Trong không khí vui tươi của ngày Tết cổ truyền Bunpimay được tổ chức ngay tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn, dưới những tán cây lớn, người dân và du khách cùng hòa mình vào điệu múa Lăm Vông, thưởng thức những tiết mục dân ca Lào hòa những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây – nhằm ca ngợi tình hữu nghị sâu sắc của hai nước Việt Nam – Lào với tinh thần đoàn kết, gắn bó.
Trao đổi với Phóng viên Thời Báo VTV, ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn được các cấp chính quyền địa phương cùng bà con tổ chức nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của người dân tộc Lào, thông qua đó vun đắp mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn bó của nhân dân hai nước Việt Nam – Lào. Đây cũng là dịp để du khách tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo của người Lào trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Thông qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk .