Văn hóa ẩm thực cũng phong phú, đa dạng và hấp dẫn với nhiều món ăn như cơm lam, gà nướng, cá sông Sêrêpốk… Không chỉ vậy, trong buôn còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, mừng lúa mới, bỏ mả…
Hiện nay, trong buôn vẫn còn 50 ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào tộc thiểu số tại chỗ.
Vị trí của buôn Kuốp cũng đặc biệt đối với phát triển du lịch. Nằm trên cung đường từ thác Dray Nur đi thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long), buôn Kuốp tận dụng điều kiện thuật lợi này để đẩy mạnh và phát triển ngành du lịch tại địa phương.
Nhận thấy tiềm năng của buôn Kuốp, từ năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường nơi đây như: hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, cải tạo cảnh quan môi trường; lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin, nội dung thuyết minh điểm đến…
Qua đó, giúp cho du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin về buôn Kuốp.
Huyện Krông Ana cũng nỗ lực cùng người dân ở buôn chung tay xây dựng, phát triển buôn Kuốp thành điểm đến du lịch cộng đồng.
Theo đó, huyện đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư khu vui chơi thể thao; khu bán các gian hàng lưu niệm, ẩm thực; khu biểu diễn giao lưu văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng; khôi phục một số nhà dài truyền thống; khôi phục một số nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần).
Đồng thời, các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ khách du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường… cũng được mở ra để hỗ trợ người dân buôn Kuốp.
Nhờ những nỗ lực này, thời gian qua, buôn Kuốp đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của người dân tộc Ê Đê và Mnông.
Sự phát triển du lịch tại buôn Kuốp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Chị H’Nguôi Hra (SN 1982, trú tại buôn Kuốp) cho hay, ngoài thời gian làm việc nương rẫy, chị tranh thủ dệt thổ cẩm cho khách đặt hàng.
Đồng thời, thường xuyên tham gia trình diễn dệt thổ cẩm trong các chương trình của địa phương, khu, điểm khu lịch. Với những việc làm đó, chị H’Nguôi mong rằng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Từ đó, thủ đẩy phát triển ngành du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Mặt khác, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Xây dựng buôn OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh
Để buôn Kuốp phát triển du lịch bền vững và thu hút nhiều du khách hơn, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố Du lịch cộng đồng buôn Kuốp.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng, buôn Kuốp có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.
Đây là buôn đầu tiên của huyện Krông Ana xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, buôn Kuốp cũng là buôn được chọn xây dựng buôn OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Ban quản lý du lịch cộng đồng và các hộ dân buôn Kuốp chủ động đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ du khách tốt hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng.
Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về du lịch để buôn du lịch cộng đồng phát huy tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư trong quản lý, khai thác du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tổ chức khảo sát xây dựng tour, tuyến để đưa khách du lịch sử dụng sản phẩm, dịch vụ du lịch, trải nghiệm khám phá văn hóa và các hoạt động của buôn.
Bà H’Nó Hđơk, Trưởng buôn Kuốp, Trưởng Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Kuốp khẳng định, Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Kuốp cam kết thực hiện tốt quy chế hoạt động, quản lý hoạt động du lịch, cùng với người dân giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm chất lượng dịch vụ, tăng cường thu hút đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch mới…
Nhân dân buôn Kuốp cũng mong muốn các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ trang thiết bị và tổ chức các đợt tập huấn, trải nghiệm thực tế với các địa phương, tích lũy kinh nghiệm tạo sản phẩm du lịch phong phú.