Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP/Thiện Tâm |
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 với sự tàn phá chưa từng có đã đẩy lùi ngành du lịch trở lại hàng chục năm. Thiệt hại của COVID-19 sau 1 năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound (đưa khách ra), doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để khôi phục ngành. “Ngay khi dịch vừa được khống chế, cuối tháng 2/2020 Hiệp hội lữ hành Việt Nam đã phát động chương trình kích cầu du lịch, các đoàn khảo sát của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đã lên đường đưa khách đi du lịch ở các điểm an toàn”, ông Bình cho biết thêm.
Tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành đã thảo luận, đưa ra các ý kiến, bàn giải pháp để đưa ngành du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch COVID-19, triển khai khôi phục và phát triển du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc công ty Lữ hành Hanoitourist, xu hướng các doanh nghiệp lữ hành giảm quy mô, hoạt động một phần, tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa đang có xu hướng nối sang năm 2021. Phương châm “Linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp. Nhận định du lịch nội địa tiếp tục là thị trường chủ đạo, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm đến việc phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số trong lữ hành.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành “chắc chắn phải tái cấu trúc, tái cơ cấu lại chính mình”. Muốn làm được điều đó, phải cố gắng hiểu thị trường một cách căn cơ và nhất là phải hiểu được khách hàng cần gì, muốn gì. Thứ hai là phải tìm cách kích cầu, kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa, gắn với sự tính toán kỹ lưỡng theo từng phân khúc khách hàng, với từng loại hình riêng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Đồng thời các doanh nghiệp lữ hành cùng các đơn vị liên kết cần tạo được sản phẩm hấp dẫn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó gửi đến khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất chứ không hẳn phải chạy theo số lượng.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần tập trung nâng cao nguồn nhân lực, tập trung vào đào tạo cơ cấu nhân lực, củng cố xây dựng lực lượng để khi hết dịch bệnh có nguồn lực để triển khai, bắt tay ngay vào phát triển. “Nếu làm được như vậy, du lịch Việt Nam sẽ khôi phục, đi bằng chính đôi chân của mình và chắc chắn sẽ phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, ngành du lịch cần phải ứng dụng số hóa để tạo ra các liên kết, thích ứng dịch vụ phù hợp, thông minh, hợp với xu hướng phát triển hiện đại của thời đại công nghệ 4.0.
Nhân dịp này Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng), Hiệp hội du lịch TPHCM, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội du lịch Hải Phòng, Liên minh kích cầu du lịch toàn quốc, CLB Du lịch MICE Việt Nam… đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy, kích cầu ngành du lịch phát triển.