Sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, mới đây tại diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021 nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phục hồi nghành công nghiệp không khói.
Theo số liệu thống kê năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 50%, ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 530 nghìn tỷ đồng tương đương 23 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Bên cạnh đó chỉ trong 6 tuần cuối năm, khu vực miền Trung phải chống chọi với gần 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây ra các trận mưa lũ chồng lũ lịch sử khiến cho du lịch khu vực miền Trung hoàn toàn tê liệt. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng khối lữ hành cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, khôi phục thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về du lịch, để tạo nên một khối vững chắc, phát triển bền vững đòi hỏi ở cả ý thức lẫn sự quyết tâm của từng đơn vị du lịch. Bởi trong năm 2021, trước diễn biến dịch trên thế giới còn phức tạp, du lịch trong nước vẫn đang được xác định thị trường nội địa là chủ đạo.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương- Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, giai đoạn bình thường mới sau dịch, cần tập trung vào các chính sách kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại địa phương cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình, kích cầu, làm mới lại sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại địa phương và các địa phương liên kết khác phải phối hợp cùng với nhau để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau. Cùng nhau xây dựng các thị trường xúc tiến và kích cầu du lịch chung, trước tiên cần tập trung vào thị trường du lịch nội địa và từng bước xây dựng và khôi phục lại thị trường khách quốc tế. “Địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho người du khách để ngành du lịch sớm phục hồi”- bà Hương nói.
Ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề nghị: Cần phải đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp có kinh doanh mảng du lịch nội địa dễ dàng ứng phó với thách thức hơn so với các đơn vị, bộ phận chuyển đổi từ du lịch quốc tế inbound và outbound sang du lịch nội địa trên cả phương diện quản lý, điều hành, nguồn nhân lực và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng. Bởi thực tế, các nhà đầu tư hạ tầng du lịch thường không mặn mà với đầu tư vào du lịch cộng đồng.
Ở một hướng đi bền vững, theo đại diện nhiều công ty du lịch, lữ hành cũng cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm với các giai đoạn như mở đầu, kích thích khi thấp điểm, duy trì khi thị trường ổn định, làm mới và bổ sung ưu đãi khi bão hòa hay quay về giai đoạn thấp điểm nhằm duy trì tính ổn định cho thị trường và điểm đến. Không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu.