• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Phát triển du lịch bền vững trong trạng thái bình thường mới

    Thứ năm, 11-03-2021 / 9:49:09 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    413 Lượt xem

    Ngành du lịch các địa phương đang nỗ lực thích ứng và khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình mới, cùng thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”.

    Thu hút và phục vụ du khách trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa khai thác du lịch hiệu quả là nhiệm vụ không phải dễ. Ảnh: TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, điểm du lịch lớn của Bắc Bộ. Ảnh: VGP/Trần Tiệp

    Thừa Thiên-Huế xây dựng quy tắc ứng xử văn minh du lịch

    Tại Thừa Thiên-Huế, theo Sở Du lịch địa phương, thu hút và phục vụ du khách trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa khai thác du lịch hiệu quả là nhiệm vụ không phải dễ. Nếu điểm đến, người phục vụ du lịch và cả du khách có sự chủ quan thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Hơn nữa, siết chặt trong quản lý đôi lúc khiến du khách không thoải mái nếu thông tin thiếu minh bạch và tuyên truyền thiếu sâu rộng. Vì vậy, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch Thừa Thiện-Huế bền vững, an toàn và chất lượng.

    Theo Sở Du lịch, bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch mà đơn vị này đang xây dựng và chuẩn bị ban hành nhằm hướng đến tính quy chuẩn bài bản nhất có thể trong các hoạt động du lịch. Bộ quy tắc giúp định hướng hành vi, thái độ và cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho toàn bộ người dân, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch

    Trong các nội dung mà bộ quy tắc ứng xử văn minh hướng đến, điều lưu ý đầu tiên vẫn là cài đặt ứng dụng Bluezone để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Cài đặt Hue-S và quét mã QR điểm đến để giám sát dịch tễ cộng đồng. Cập nhật bản đồ du lịch an toàn (Hue Blue Map) để nhận biết các cơ sở dịch vụ/điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.

    Điểm khác so với những quy định về phòng chống dịch trước đó là có các quy tắc ứng xử cụ thể và có chế tài xử lý. Đối với khách du lịch, khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thời điểm và thời gian an toàn để đi du lịch. Khuyến nghị kiểm tra y tế, đảm bảo sức khỏe trước khi đi du lịch. Có ý thức bảo vệ bản thân và người xung quanh trong các chuyến đi du lịch. Không khạc, nhổ, không vứt rác, khẩu trang bừa bãi. Ghi chép lịch trình tại các điểm đến, hợp tác khai báo trung thực với chính quyền địa phương khi có yêu cầu sau các chuyến đi du lịch.

    Đối với các đơn vị, các điểm đến, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân cung ứng dịch vụ, phải niêm yết đường dây nóng về hỗ trợ y tế và hỗ trợ du khách. Không đeo bám, chèo kéo khách du lịch, không nâng giá, ép giá khi du khách sử dụng các dịch vụ.

    Khánh Hoà cơ cấu lại du lịch

    Giai đoạn 2017-2019 (trước dịch COVID-19 bùng phát), các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, lượng khách, số lượng phòng lưu trú tại Khánh Hòa tăng 15-20%/năm. Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế. Đó là, cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế chưa hợp lý. Du lịch của tỉnh phát triển mạnh về lưu trú và nghỉ dưỡng nhưng chưa có những thiết chế văn hóa đặc sắc của địa phương để tạo điểm đến hấp dẫn du khách. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa bảo đảm yêu cầu, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu lực lượng lao động lành nghề, quản lý chất lượng cao. Bên cạnh đó, chính sách phát triển du lịch chủ yếu tập trung vào thu hút dự án đầu tư, chưa có những chính sách dài hạn. Việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh doanh du lịch mất cân đối, các khách sạn chủ yếu tại trung tâm TP. Nha Trang…

    Giai đoạn 2021-2025, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khánh Hòa thực hiện chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng vừa từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như nguồn khách để hướng đến sự bền vững.

    Khánh Hòa đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD); tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 70% phòng đạt chuẩn chất lượng 3 – 5 sao; thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đóng góp trực tiếp vào GRDP của tỉnh từ 15 đến 17%.

    Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2030 và định hướng 2050 với nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại hoạt động du lịch của tỉnh bảo đảm 3 mục tiêu chính: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh; khai thác kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp.

    Quảng Ninh tổ chức 150 sự kiện thu hút khách du lịch nội địa trong năm 2021

    Do tác động từ dịch bệnh COVID-19, năm 2020, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm gần một nửa so với năm 2019. Trong trạng thái bình thường mới, Quảng Ninh đã cho phép mở lại một số dịch vụ và khu, điểm du lịch trên địa bàn từ ngày 02/3/2021, thời gian thí điểm đến ngày 15/3/2021.

    Tuy nhiên, dự báo đến hết quý I/2021 lượng du khách đến Quảng Ninh vẫn tiếp tục thấp do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở những địa phương lân cận. Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, ngành du lịch địa phương sẽ tận dụng thời gian này để đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động đã phải nghỉ việc do ảnh hưởng của COVID-19, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường khi hoạt động du lịch được phục hồi.

    Trước mắt, để làm nóng thị trường du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch với hơn 150 sự kiện, tổ chức ở nhiều địa bàn trong tỉnh, hướng tới thu hút khách từ các thị trường nội địa như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM… Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách trong năm 2021.

    Điện Biên nỗ lực thích ứng và phục hồi hoạt động du lịch

    Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Hoa Ban năm 2021 và Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên lần thứ VII, một trong những sự kiện lớn của Điện Biên đã phải tạm hoãn.

    Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên cho biết: Ðể khắc phục khó khăn và tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp du lịch chủ động tự đánh giá, tập trung thực hiện tốt các hướng dẫn an toàn trong phòng chống dịch, tạo điểm đến an toàn cho du khách. Ðồng thời, tích cực xây dựng, triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, tập trung ưu tiên các thị trường trọng điểm khách du lịch nội địa và kích cầu du lịch nội tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm đón khách du lịch quốc tế.

    Ngành cũng sẽ tích cực chỉ đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tăng cường hỗ trợ tư vấn, kết nối, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ khách. Ðẩy nhanh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ du lịch, như: Số hóa các di sản, bảo tàng; vé điện tử tại các điểm tham quan; du lịch thông minh… sớm hình thành nền tảng kết nối chung của cả ngành du lịch.

    Trần Tiệp

    Nguồn : Chính Phủ
    Tin mới