Dịch bệnh khiến nhu cầu và tâm lý dịch chuyển của người dân thay đổi, hầu hết các đơn vị lữ hành còn tồn tại đến giờ đều phải không ngừng làm mới mình bằng các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn để phục vụ du khách.
Sắp bùng nổ làn sóng du lịch nội địa?
Nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa đã tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Đặc biệt, sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, các hoạt động dịch vụ du lịch đang mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thu hút lượng lớn du khách. Đây là kết quả thu thập từ công cụ Destination Insights của Google.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ giữa tháng Hai tới giờ, du khách Việt không ngừng tìm kiếm thông tin du lịch, thậm chí có lúc cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt thời điểm cuối tháng Hai có lúc nhu cầu tìm kiếm tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu được dịch chuyển của người dân vẫn rất cao, sẵn sàng du lịch trở lại sớm nhất có thể, mặc dù đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh dồn nén, kìm kẹp.
Dữ liệu thu thập từ Google cũng cho thấy, trước đó, trong tháng Một và nửa đầu tháng Hai, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch khá trầm lắng, nhất là từ cuối tháng 1/2021 khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số địa phương, trong đó có hai thị trường nguồn lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm đáng chú ý là nhu cầu tìm kiếm thông tin hàng không của khách nội địa trong thời gian này không có nhiều cải thiện (có thời điểm giữa tháng 2/2021 thấp hơn 80%). Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú lại có xu hướng tăng trở lại từ giữa tháng 2/2021 (có thời điểm cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhất là dịp Tết dương lịch và thời gian cuối tháng 2 sau khi dịch bệnh được kiểm soát).
Kết quả này hoàn toàn phù hợp với những phân tích và nhận định của các chuyên gia trong ngành rằng khách du lịch tiếp tục có xu hướng tìm kiếm những điểm đến gần, thời gian đi ngắn ngày, đi bằng phương tiện cá nhân là chủ yếu do tâm lý e ngại sử dụng các phương tiện công cộng để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh.
Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực cho thấy du lịch sẽ mau chóng phục hồi và bùng nổ trong nước thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đặc biệt, khi mùa du lịch Hè đang đến gần và chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4-1/5, các chuyên gia dự báo đây sẽ là thời điểm vàng cho các đơn vị lữ hành và sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng du khách trở lại.
Tuy nhiên, dẫu dịch bệnh đang tạm thời được kiểm soát, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta chắc chắn an toàn trên những cung đường. Vì thực tế đã cho thấy sự dị thường của COVID-19 có thể khiến tình hình thay đổi nhanh chóng và khó kiểm soát. Vì thế, để đảm bảo an toàn, hãy tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Du lịch tự lái và hành trình khám phá những câu chuyện từ lịch sử
Để đáp ứng nhu cầu và tâm lý dịch chuyển thay đổi của người dân sau mùa dịch, đơn vị lữ hành đã phải không ngừng tự làm mới bằng các sản phẩm độc, lạ.
Ví như chương trình tour tự lái xe và trải nghiệm trên cung đường mùa Xuân đẹp nhất, kéo dài 5 ngày 4 đêm mang chủ đề “VGreen Caravan Tây Bắc-Mùa ban nở” do Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức đang được cộng đồng yêu du lịch quan tâm.
Trong hành trình xuất phát từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đoàn caravan sẽ đi cung đường: Ngọc Chiến-Mù Cang Chải-Tam Đường-Lai Châu-Điện Biên-Quỳnh Nhai-Sơn La-Hòa Bình.
Chương trình caravan này không giống với các tour du lịch thông thường, mà đó còn là một câu chuyện về lịch sử nhưng vô cùng sống động xuyên suốt hành trình về cuộc sống của con người. Từ những kiến thức được cung cấp tại bảo tàng, du khách được ngược dòng lịch sử tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của người tiền sử tại hang Xóm Trại (Hòa Bình), trải nghiệm vận chuyển lương thực vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại đèo Pha Đin…
Hành trình tour xuất phát từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, qua miền Tây Bắc, đến với Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La không chỉ có những danh thắng hang động nổi tiếng như Pu-sam-cáp mà nơi đây còn có nhiều hang động từng là nơi cư trú của cư dân thời tiền sử.
Lai Châu có hệ thống hang động Thẩm Đán Chể, một trong những dấu tích cổ xưa của quần thể động vật và loài người trên đất nước ta. Điện Biên có di tích quốc gia, di chỉ khảo cổ Thẩm Khương, thuộc văn hóa Mường Hòa Bình; di chỉ khảo cổ U Va đã giúp cho cái tên U Va từng xuất hiện trong những câu chuyện dân gian, sử thi và truyền thuyết của dân tộc Thái.
Sơn La có di chỉ mái đá bản Mòn và đặc biệt là hơn 20.000 di vật là công cụ lao động, sinh hoạt được phát hiện ở khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La với niên đại cách đây khoảng 3.000-30.000 năm, thể hiện quá trình sinh sống lâu dài của cư dân tiền sử.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: “Đây chỉ là hành trình khởi đầu sau đợt dịch lần này. Mặc dù du lịch bằng xe tự lái đã có từ lâu nhưng chưa thu hút được nhiều du khách. Song, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay tôi cho rằng đây sẽ là xu hướng mới, vì khách ngại di chuyển đường dài bằng máy bay, thích đi theo nhóm nhỏ, ít tập trung đông người, thích tìm kiếm những điểm đến mới, an toàn, khám phá thiên nhiên và tham gia hoạt động du lịch cộng đồng…”
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm các sản phẩm kết nối các tỉnh lân cận và bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia tới Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn… với chủ đề ‘Trở về cội nguồn.’ Kho tàng về giá trị lịch sử trong Bảo tàng là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp làm mới sản phẩm tạo nên sự khác biệt, độc đáo và bền vững. Chương trình caravan lần này và sắp tới cũng sẽ giúp kết nối, trao đổi khách giữa Hà Nội và địa phương.”./.