Sau hơn 2 năm hoạt động, thực tế là đường sách Buôn Ma Thuột đã kém sôi động so với trước đó. Ngoại trừ vài quán cà phê phía đầu nút giao với đường Nguyễn Tất Thành là còn hoạt động đều đặn, phía trong đường sách khá trầm lắng, nhất là các cửa hàng, quầy sách của các nhà xuất bản. Từ 25 quầy của nhiều nhà sách tên tuổi, nhà xuất bản lớn ban đầu, cuối năm 2019 đường sách chỉ còn 15 quầy hoạt động và bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, đến nay chỉ còn 3 – 4 quầy mở cửa. Nguồn sách cũng không dồi dào nữa, hầu hết chỉ còn sách giảm giá, phân phối bởi vài tư nhân bán sách cũ.
Một nhà văn lão thành ở Buôn Ma Thuột nhận xét: Theo ông, thời điểm 2018, là cao trào vận động văn hóa đọc cả nước, với các đường sách hình thành, được đề cao, như phố sách Đinh Lễ, 19-12 ở Hà Nội, đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP. Hồ Chí Minh… Tại Huế và Đà Nẵng cũng rầm rộ những khu văn hóa đọc, tổ chức rất nhiều hội sách và kỳ vọng mở đường sách ấn tượng. Đường sách Buôn Ma Thuột được duyệt đầu tư xã hội hóa trong xu thế đó, ban đầu đón nhận sự ham thích của giới trẻ, và ủng hộ của các NXB. Sau một thời gian hoạt động, đường sách thật sự cần cách tổ chức khoa học, bài bản hơn, mới có thể định hình bền vững.
Vừa thưởng thức cà phê vừa đọc sách là một nét đẹp tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Để đường sách thêm sôi động
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty Cà phê G20 (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh nghiệp của ông là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia đường sách và đến nay vẫn hoạt động đều đặn. Bởi hoạt động đường sách đã chia rõ hai nhóm nội dung: giới thiệu cà phê Buôn Ma Thuột cùng văn hóa truyền thống Tây Nguyên và giới thiệu văn hóa đọc sách nên các tiệm cà phê mọc lên khá nhiều tại đường sách. Nhưng để các tiệm duy trì hoạt động không dễ, bởi đường sách đến nay đã thưa vắng người đến thưởng thức cà phê theo chiều sâu. Văn hóa đọc cũng không khởi sắc khi các chương trình giới thiệu, quảng bá sách và sự có mặt của các NXB ngày càng ít đi.
Theo ông Quang, để đường sách hoạt động sôi động, tiếp tục khơi dậy, nhân lên tình yêu với văn hóa đọc, cần chí ít ba yêu cầu:
Thứ nhất, cần đổi tư duy làm đường sách theo phong trào sang vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia chất lượng. Đơn cử như Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk có thể kết nối để tổ chức sân chơi, giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới cho các hội viên ở đường sách. Các nhóm bạn trẻ thiện nguyện về văn hóa đọc chọn địa chỉ này làm điểm hẹn cho các hoạt động thường xuyên. Chỉ cần các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, thu hút giới trẻ quan tâm đến văn hóa đọc hiện diện, diện mạo của đường sách Buôn Ma Thuột sẽ khác hẳn.
Thứ hai, đi cùng đường sách là các hoạt động cộng đồng, quảng bá văn hóa truyền thống Tây Nguyên và các hoạt động tiếp thị hàng hóa, thổ sản của vùng đất này. Đây là nét riêng chỉ có ở đường sách Buôn Ma Thuột. Thời gian qua, hoạt động này cũng đã tổ chức, gắn với các lễ hội cà phê, các phiên chợ nông sản xanh, bảo vệ môi trường… Nhưng để hoạt động thực sự thu hút người dân, nhất là vai trò truyền thông văn hóa bản địa thì rất cần có các chính sách hỗ trợ từ nhà quản lý, chương trình liên kết nhiều đầu mối đồng hành. Ông Quang đơn cử hoạt động biểu diễn âm nhạc cuối tuần do quán cà phê của ông tổ chức thu hút nhiều nhóm bạn trẻ yêu văn nghệ đóng góp là một cách cần phát huy. Làm sao để đường sách luôn sôi động hoạt động quảng bá, tiếp thị hình ảnh, hàng hóa, thương hiệu thì sức hấp dẫn với cộng đồng sẽ tăng rất nhanh.
Thứ ba, đường sách phải có thế mạnh của điểm khai thác du lịch, cần hấp dẫn du khách gần xa đến trải nghiệm. Theo đó, phải vận động các đơn vị du lịch cùng tham gia, với nhiều chương trình sáng tạo hơn, như đặt các điểm check-in ở đường sách, trang trí đường sách ấn tượng hơn… Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, du lịch địa phương sẽ nghiên cứu kỹ hơn và đầu tư thực sự vào đường sách, xây dựng thành địa chỉ trải nghiệm tất yếu cho du lịch Buôn Ma Thuột mới là định hướng bền lâu cho hoạt động đường sách Buôn Ma Thuột..
Nguyên Đức