Tờ Bangkok Post ngày 13/4 dẫn lời ông Chayotid Kridakorn, lãnh đạo nhóm đặc nhiệm của Chính phủ Thái Lan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, cho biết một nội dung quan trọng là sửa đổi các quy định về nhập cư trong năm nay để giúp người nước ngoài và khách du lịch dài hạn ở lại quốc gia Đông Nam Á này dễ dàng hơn. Các nội dung bao gồm cải thiện những quy định về nhập cư, xin thị thực nhập cảnh và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài, kể cả việc nới lỏng yêu cầu lao động nước ngoài phải khai báo nơi ở của họ cho các nhà chức trách cứ 90 ngày một lần. Bên cạnh đó là những biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nới lỏng các quy tắc nắm giữ tài sản và các ưu đãi cho người về hưu cũng như các công ty khởi nghiệp.
Ông Chayotid, người cũng là cố vấn của Phó Thủ tướng Supattanapong Punmeechaow và cựu lãnh đạo của JPMorgan Securities tại Thái Lan, cho biết ông đặt mục tiêu thu hút 1 triệu người về hưu hoặc được hưởng lương hưu đến Thái Lan trong vài năm tới. Những người này được cho là có thể đóng góp 1.200 tỷ baht (38 tỷ USD) cho nền kinh tế Thái Lan mỗi năm.
Trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan đã giảm hơn 50% xuống còn khoảng 361 tỷ baht vào năm 2020. Nguyên nhân là do bất ổn chính trị định kỳ, triển vọng tăng trưởng thấp do xã hội lão hóa và thiếu lao động. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ít nhất 12 năm, chỉ đạt 6,7 triệu lượt vào năm ngoái sau khi nước này đóng cửa biên giới để kiềm chế đại dịch.
Ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP). Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tạo ra 348 tỷ baht doanh thu du lịch từ thị trường nước ngoài trong năm 2021.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput mới đây nhận xét những lĩnh vực cần cải thiện ngay lập tức bao gồm thị thực nhập cảnh và các quy định ngăn cản Thái Lan thu được nhiều giá trị hơn từ người nước ngoài và lao động nước ngoài.
Cuối tháng trước, BoT đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay từ mức 3,2% đưa ra vào tháng 12/2020 xuống 3% do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 mới và tình hình du lịch ảm đạm. Ngân hàng này nhận định nền kinh tế Thái Lan sẽ mất khoảng 2 năm rưỡi để phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, giảm so với mức 4% dự kiến trước đó. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP ở mức 4% trong năm nay và năm 2022 bằng cách đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu theo kế hoạch.
GDP của Thái Lan sụt giảm 6,1% trong năm 2020 – kết quả cả năm tồi tệ nhất trong vòng hai thập niên qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.