Đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn Đắk Lắk được chính quyền địa phương cùng các ban, ngành tích cực huy động từ mọi nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì mọi nguồn lực ấy còn quá hạn hẹp, chưa thể đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.
Theo Phòng Quản lý và phát huy di tích – Bảo tàng Đắk Lắk, trong hơn 10 năm qua có 8/38 di tích (gồm Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đồn điền CADA, Miếu thờ tại Đồn điền CADA, Đình Lạc Giao, Hang đá Đắk Tuôr và Tháp Chăm Yang Prông) được tu bổ, trùng tu với tổng kinh phí gần 134 tỷ đồng. Số kinh phí ít ỏi này chỉ mới đáp ứng “phần cứng” của di tích như xây dựng, sơn quét tường rào, thay thế cấu kiện, vật liệu công trình, đường giao thông nội bộ; còn “phần mềm” được xem như giá trị cốt lõi của di tích là hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan thì hầu như chưa có gì.
Biệt điện Bảo Đại là điểm thu hút đông du khách nhất trong số các di tích trên địa bàn tỉnh. |
“Nói cho cùng, việc công nhận và xếp hạng di tích phải gắn liền với tôn tạo, phát huy giá trị của nó trở thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương là mục tiêu quan trọng nhất đối với bất kỳ quốc gia nào”.
Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một.
|
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk đánh giá: Không nói đâu xa, những di tích lịch sử nằm ngay trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột đã được trùng tu, tôn tạo trong thời gian qua, đến nay vẫn chưa được khai thác, phát huy xứng tầm do thiếu kinh phí để đáp ứng các yếu tố quan trọng trên. Chẳng hạn như Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du), hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn du khách vì số hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến di tích cấp quốc gia này còn quá nghèo nàn. Được biết, di tích trên được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1346/QĐ-UBND, ngày 31-5-2011 với tổng kinh phí hơn 5.830 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo. Số tiền này chủ yếu dành cho các hạng mục xây dựng tường rào, sân bãi, cây xanh, sửa chữa mái lợp, sàn nhà đã xuống cấp. Còn bên trong di tích, bao gồm những gì liên quan đến ông vua cuối cùng của triều Nguyễn thì trước sau chỉ có bộ bàn ghế tiếp khách và một số giường tủ, tranh ảnh trang trí nội thất được mô phỏng, phục dựng lại rất sơ sài.
Tương tự, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng thế, qua 3 đợt trùng tu, tôn tạo (2005 – 2006 và 2020) với kinh phí gần 7 tỷ đồng, vừa được nâng cấp lên Di tích quốc gia đặc biệt vẫn chưa thực sự biến “địa chỉ đỏ” này thành điểm đến hấp dẫn du khách. Những hiện vật lịch sử có được ở đây vẫn rất đơn sơ với một vài văn bản sự vụ, tư liệu và hình ảnh được sưu tầm hoặc mua lại từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia và hệ thống tượng manơcanh mô phỏng cảnh tù nhân bị bạo ngược, hành hạ dưới chế độ thực dân Pháp thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945. Do đó chưa phát huy xứng tầm giá trị của di tích này như kỳ vọng.
Hoặc như Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột), vào năm 2014 và 2018, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cùng với sự đóng góp của cộng đồng đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại cho khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu thờ cúng, tế lễ quanh năm. Còn lại cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác nhằm tiếp đón, phục vụ khách tham quan vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Di tích Đồn điền CADA (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương trùng tu, tôn tạo tại Quyết định số 1497/QĐ-UBND, ngày 11-6-2009 với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng để xây tường rào bảo vệ, sửa chữa nhà xưởng trong khu vực I có diện tích 44.000 m2. Còn hiện trạng khu vực II (tính từ tường rào khu vực I trở ra theo hồ sơ di tích) hiện đã trở thành khu dân cư, không còn bất kỳ dấu vết nào nữa, khiến một số yếu tố cấu thành Di tích cấp quốc gia Đồn điền CADA đúng nghĩa, gợi lại một giai đoạn đấu tranh cách mạng hào hùng và sinh động của công nhân tại đồn điền cà phê này từ những năm 1932 – 1945 đã biến mất.
Dãy xà lim Nhà đày Buôn Ma Thuột vừa mới được trùng tu. |
Rõ ràng việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng sau khi được công nhận, xếp hạng là vấn đề cấp thiết đặt ra. Biết rằng, các cấp chính quyền cùng ban, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực tôn vinh một loạt di tích trên địa bàn Đắk Lắk là để tăng cường công tác bảo vệ/bảo tồn vốn di sản ấy trước những áp lực của đời sống diễn ra. Tuy nhiên, nếu không có lộ trình kèm theo cơ chế ưu tiên cho vấn đề cấp thiết này thì không thể đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, xã hội sở hữu các di tích trên.